Triễn lãm kiến trúc Việt Nam VietArc 2010 diễn ra hôm 3.6 có các mặt hàng vật liệu xây dựng, có máy móc thiết bị trong ngành… Nhưng đa phần là những công ty tư vấn thiết kế tham dự, trong đó, gần 50% là đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài và họ đang có thị phần tốt ở Việt Nam.
Công ty tư vấn nước ngoài đang làm ăn được nhờ có thể là độc lập – hoạt động tự thân, có thể là hợp tác với doanh nghiệp trong nước dưới nhiều hình thức, lắm khi chỉ nhờ vào con dấu mang tên của công ty nước ngoài là… đạt.
Nhiều khách tham quan hứng thú với các mẫu thiết kế nội thất của sinh viên kiến trúc tại triển lãm VietArc. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Do chuộng thiết kế ngoại?
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM kể, có chủ đầu tư đến nói: “Tôi nhờ ông làm tất. Ví dụ, ông lấy mười đồng, tôi trả ông 12 đồng. Hai đồng dư ra đó ông kiếm một công ty nước ngoài trả cho nó – xem như nó hợp tác với ông và nhờ nó đóng con dấu là… OK!” Còn nếu công ty tư vấn thiết kế xây dựng trong nước không quen công ty nước ngoài thì nhiều chủ đầu tư sẵn sàng lo khoản “đóng dấu, ký tên” này và đơn vị trong nước vẫn là… người thực hiện công trình.
Các công ty nước ngoài nhiều khi chỉ tham gia một phần nhỏ nhưng sự “hợp tác” của họ xem ra có tác dụng. Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Indochina, nghe tên có vẻ ngoại quốc nhưng không – đơn vị trong nước 100%, năm nay công ty đã triển khai thực hiện cả mười công trình lớn ở Hà Nội. Phạm Thu Trang, trợ lý giám đốc điều hành công ty Indochina nói: “Nhiều chủ đầu tư muốn phải có yếu tố nước ngoài mới… hấp dẫn. Chính vậy mà ở công trình lớn 1bis Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 mới phải liên kết với Surbana – Singapore, để họ chỉ phác thảo không gian tổng quan công trình này”. Trang nói thêm: “Thực chất về hiệu quả thực hiện các công trình, dù lớn nhỏ, công ty vẫn làm tốt và cạnh tranh được với các công ty của nước ngoài”.
Đứng trước làn sóng dịch vụ tư vấn thiết kế từ nước ngoài vào, những công ty trong nước có nhiều phương cách hoạt động riêng. Mặc dù, “có việc chuộng mác ngoại đâm ra những công ty trong nước thiệt thòi một tí”, ông Nguyễn Trần Duy Liêm, phó giám đốc công ty tư vấn kiến trúc DP thố lộ. Và ông Liêm cho biết tiếp, thực chất, những công trình lớn như 50 tầng trở lên thì nước ngoài – họ có nhiều kinh nghiệm hơn và trình độ quản lý của họ tốt hơn. Những công trình thấp hơn thì các công ty trong nước vẫn đủ sức thực hiện, với giá rẻ hơn so với nước ngoài.
Đất trống
Về giá cả tư vấn thiết kế tính phần trăm trên tổng trị giá công trình, “các công ty nước ngoài lấy cao hơn trong nước gấp 3 – 5 lần”, KTS Lưu nói. Với ông Nguyễn Văn Đực, giám đốc công ty thiết kế xây dựng Tân thì, doanh nghiệp trong nước có thể còn thiếu năng lực về mặt nào đó, như quản lý trước và sau khi công trình hoàn thành so với các công ty nước ngoài, nhưng không phải là không làm được. “Chỉ ngại một điều là cứ có yếu tố nước ngoài là giá bán cao hơn và hấp dẫn khách hàng hơn”, ông Đực nói.
Nhiều doanh nghiệp trong nước thừa nhận, những phân khúc “cao cấp” thực sự trong nước vẫn chưa đáp ứng được. Nước về chỗ trũng, nơi nào có nhu cầu thì dịch vụ tràn đến. Đó là lý do tại sao gần phân nửa số đơn vị tư vấn thiết kế tham gia triển lãm đến từ nước ngoài. Có những công ty đã bắt rễ sâu, có những công ty mới bước vào thị trường.
Surbana – công ty tư vấn thiết kế Singapore đã vào Việt Nam từ năm 2004 và đã thực hiện được 50 dự án. Ông Lâm Văn Dũng, phó tổng giám đốc công ty nói: “Công ty có mục tiêu cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, không chọn phân khúc thấp”.
Ra đời cách nay 32 năm, là công ty thiết kế quy hoạch kiến trúc và nội thất nổi tiếng thế giới của Hong Kong: công ty Arquitectonica lần đầu tiên đến Việt Nam. “Chưa có văn phòng đại diện nhưng chúng tôi hiện đã có một dự án đang triển khai”, ông Courtney Davies, giám đốc đối ngoại Arquitectonica nói.
(Theo Nguyễn Tâm // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com