Sẽ xóa bỏ việc trợ giá, bù giá... Tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá và cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp... Đó là những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Quản lý giá
![]() |
Sữa là mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong thời gian qua. Ảnh: HỒNG THÚY |
Hiện nay, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, điện đang từng bước thả theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đây là xu hướng tất yếu vì VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để hoàn thiện môi trường pháp lý cho quá trình này, Bộ Tài chính đã soạn dự thảo Luật Quản lý giá, trình Quốc hội thông qua trong năm 2011.
Bỏ trợ giá, bù giá
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), điểm khác biệt lớn giữa Pháp lệnh Giá hiện hành và dự thảo luật là sẽ xóa bỏ việc bao cấp, bù giá, không có nhiệm vụ chính sách xã hội trong giá.
Như vậy, hai biện pháp trợ giá hàng nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất và trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu (ví dụ như mặt hàng điện, than, đạm, cước bưu chính, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp...) sẽ bị loại bỏ vì không phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cơ chế bù chéo về giá và doanh thu giữa các nhóm khách hàng đối với giá điện, bưu chính viễn thông, nước sạch... cũng bị xóabỏ. Thay vào đó là các biện pháp khác mà luật pháp đã quy định như chống bán phá giá, chống trợ cấp, hệ thống rào cản kỹ thuật, môi trường...
Đối với những loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền, tính chất cạnh tranh hạn chế như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kết cấu hạ tầng, điện... phải được tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ trong kinh doanh.
Một thành viên ban soạn thảo cho biết nội dung này nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến góp ý vì trong thực tế, các biện pháp trợ giá, bao cấp giá không có tính khả thi, có biện pháp chưa từng được thực hiện dù Pháp lệnh Giá đã có hiệu lực thi hành 8 năm.
Theo phân tích của một chuyên gia về giá cả, bỏ trợ giá là cần thiết vì việc trợ giá, bao cấp giá của Nhà nước khiến thị trường méo mó, không đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội.
Ngay cả doanh nghiệp (DN) là đối tượng được lợi nhất từ chính sách này cũng bị giảm sức cạnh tranh vì không có động lực. Rõ nhất là trong lĩnh vực xăng dầu, DN không có động lực hoạt động hiệu quả vì hằng năm đã được Nhà nước bù lỗ hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách. Người dân được mua xăng giá thấp nhưng thực chất số tiền dùng để bù lỗ là tiền đóng thuế.
Doanh nghiệp sữa phải kê khai giá
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật Quản lý giá đó là những công cụ, biện pháp bình ổn giá. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Pháp lệnh Giá hiện hành quy định 5 biện pháp bình ổn giá nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cơ quan quản lý vẫn phải áp dụng bổ sung một số biện pháp tổng hợp khác mà pháp lệnh chưa quy định như thuế, chính sách tiền tệ, yêu cầu thực hiện đăng ký, kê khai giá đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá và những mặt hàng quan trọng thiết yếu khác. Do đó, trong nhóm biện pháp về bình ổn giá, dự thảo đã đưa thêm giải pháp mới hơn là đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, sử dụng các quỹ bình ổn giá và các biện pháp hành chính khác theo quy định của Chính phủ.
Vẫn theo thành viên ban soạn thảo, nhiều quy định trong Pháp lệnh Giá hiện hành đều chung chung, khó triển khai và phải phụ thuộc nhiều vào văn bản hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá còn bị chồng chéo với các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Điện lực... nên trong thực tế có những hành vi vi phạm nhưng chưa được xử lý triệt để. Ví dụ đối với mặt hàng sữa, Pháp lệnh Giá không quy định phải đăng ký, kê khai giá bán nên khó kiểm soát.
Theo dự thảo Luật Quản lý giá, các DN kinh doanh sữa phải đăng ký, kê khai giá bán. Nhà nước ban hành một cơ chế chung làm mẫu. Khi giá bán trên thị trường biến động bất thường, Nhà nước sẽ kiểm soát thông qua các yếu tố hình thành giá.
Chẳng hạn, nhiều DN thường tìm cách đẩy chi phí quảng cáo vào giá thành, cơ quan quản lý sẽ bóc tách yếu tố này vì theo quy định, chi phí quảng cáo chỉ được chiếm 10% trong chi phí giá thành. Nếu DN vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định 169 về xử lý hành chính trong lĩnh vực giá. Nghị định này cũng đang được sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt và quy định rõ khoảng 30 hành vi vi phạm thay vì 6-7 hành vi như hiện hành.
(Theo Phương Anh // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com