Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm lối đi cho xuất khẩu Việt Nam trong khủng hoảng



 - Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu diễn ra từ cuối năm 2007 đã có những tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Tìm kiếm giải pháp phát triển thị trường, tăng cường xuất khẩu trong thời kỳ suy thoái là nội dung được đặt ra trong Diễn đàn “Xuất khẩu và phát triển thị trường Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7/2009. Diễn đàn do Bộ Công Thương chủ trì, báo Đối ngoại Vietnam Economic News và Công ty Việt Long Promotion phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty Xây dựng Lũng Lô.

Cuộc khủng hoảng này được định vị là loại khủng hoảng mang tầm thế kỷ, “trăm năm mới có một lần”. Tuy bắt nguồn từ các nước phát triển nhưng hiện nay, suy thoái đã lan qua các nước khác trong khu vực và toàn thế giới. Do phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu là chính, Việt Nam cũng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu.
Từ cuối năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2009, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu của nước ta. Sức mua trên thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh kéo theo giá cả hàng hoá giảm theo. Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thị trường bị thu hẹp, nhiều đơn đặt hàng bị cắt giảm, thiếu tính ổn định...
So với cùng kỳ năm 2008, năm nay, giá các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: cà phê, chè, dầu thô, cao su… đều giảm, kéo theo sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường quen thuộc như: Hoa Kỳ giảm khoảng 7%, EU giảm khoảng 10%, ASEAN giảm khoảng 6%... Điều này dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của cả nước chỉ đạt 39% kế hoạch, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2008. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm 2009 là tăng trưởng 3% so với năm 2008, tương đương đạt khoảng 64,57 tỷ USD.
Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, tư vấn kinh tế đã đưa ra những thông tin nhiều chiều nhằm tìm ra hướng phát triển cho xuất khẩu Việt Nam trong suy thoái. Dưới đây là trích đẫn những ý kiến đó:
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Thay đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng lao động”
Điểm then chốt nhất ở Việt Nam lúc này là thay đổi mô hình tăng trưởng do mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động rẻ chứ chưa dựa vào công nghệ. Bên cạnh đó, mô hình này chưa dựa vào khu vực dân doanh và tư nhân nhiều mà lại dựa vào Nhà nước. Nếu kéo dài, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Việt Nam sẽ dễ bị thua cuộc. Do vậy cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp, đồng thời dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp như hiện nay cũng cần được quan tâm.
Có một thực tế là hiện nay, lao động phổ thông Việt Nam không được đánh giá cao cả về tay nghề và kỷ luật. Cho nên để tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh, vấn đề nâng cao tay nghề, ý thức cho lao động Việt Nam cũng hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, việc xoay chuyển và đa dạng đồng tiền trong xuất nhập khẩu sẽ tránh được tình trạng rủi ro khi đồng tiền biến động giá.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Ổn định thị trường tài chính và làm sống lại tín dụng”
Để “tồn tại, trưởng thành và phát triển trong một thế giới đang biến đổi”, ta cần phải phối hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới để ổn định kinh tế vĩ mô. Tức là dùng tiền ngân sách hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng để làm sống lại tín dụng. Bên cạnh đó, cũng cần kích cầu, kích thích đầu tư, tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế. Thực tế hiện nay, quá trình trung chuyển hàng hoá, vốn, con người, thông tin… đang diễn ra rất ồ ạt. Cho nên, một vấn đề quan trọng là phải chú ý đến chính sách để tránh gây sốc cho doanh nghiệp.
Với chính sách tiền tệ và lãi suất, cách thức điều chỉnh nên đủ đối với thực trạng và tiềm lực kinh tế của Việt Nam bởi nếu thắt chặt quá sẽ khiến kinh tế chưa lên đã lại sụp, hoặc nếu nới lỏng quá sẽ lại khiến lạm phát gia tăng. Tuy nhiên trong tương lai, chính sách tiền tệ có xu hướng thắt lại dần dần. Đồng thời, mức trần lãi suất cũng phải bỏ.
TS. Trịnh Minh Anh - Phó chánh văn phòng UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế: “Phải đi bằng hai chân - phát triển thị trường nội địa làm bàn đạp cho xuất khẩu”
Để đứng vững trong suy thoái, ngoài việc xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú ý đến thị trường trong nước, đặc biệt là 70% dân số có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn. Ngoài việc sản xuất những mặt hàng cao cấp để phục vụ cho công tác xuất khẩu, cần chú ý sản xuất những mặt hàng có giá thành thấp hơn để đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững tại thị trường nước ngoài nói chung và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong suy thoái nói riêng, Nhà nước cần phải cải cách những chính sách, giảm thuế, cung cấp những thông tin chính xác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng. Đối với doanh nghiệp, để kinh doanh hiệu quả và tự bảo vệ quyền lợi của mình thì cần nắm vững quy định, nâng cao chất lượng hàng hoá, tự trang bị cho mình những kiến thức về luật pháp. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần đoàn kết với nhau, gắn chặt với các hiệp hội ngành nghề và tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước.
TS. Phan Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở giao dịch III VietinBank: “Khủng hoảng kinh tế không chỉ đem lại khó khăn mà còn mang đến cơ hội cho các ngân hàng”
Tình hình suy thoái kinh tế đã và đang khiến cho các phương thức thanh toán ít được đảm bảo của ngân hàng như chuyển tiền, tài khoản mở… dần giảm đi và được thay bằng các phương thức thanh toán có đảm bảo như tín dụng hay bảo lãnh. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phát triển sản phẩm, chia sẻ rủi ro với nhau. Để cung cấp các phương thức thanh toán có sự đảm bảo của ngân hàng, các ngân hàng phải rất am hiểu khách hàng của mình và đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong nước trong quá trình cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.
Để kinh doanh phát triển trong suy thoái, việc tìm kiếm các bạn hàng, đối tác mới tại các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, Đông Âu và Nam Á là việc cần triển khai tại các doanh nghiệp trong nước.
Ông Jason - Phòng Thương mại Mỹ: “Cơ chế một cửa - kinh nghiệm từ Mỹ”
Để tham gia hội nhập tốt và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, cơ chế một cửa tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc trao đổi nhanh chóng hơn các dữ liệu giữa các nước.
Khi áp dụng cho Việt Nam, cơ chế một cửa giúp đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là giúp hiện thực hoá những lợi ích được kỳ vọng của tự do hoá thương mại và tiếp cận thị trường; Thứ hai là giúp chuẩn hoá và hài hoà hoá các dữ liệu và quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế và thoả thuận quốc tế; Thứ ba là cung cấp những cơ hội công bằng cho các công ty vừa và nhỏ và những ngành công nghiệp; Thứ tư là cải thiện các dịch vụ của chính phủ tốt hơn đối với công chúng - quản lý tốt hơn và hoạt động hành chính tốt hơn; Thứ năm là tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững.
Trong hoạt động kinh doanh, cơ chế một cửa là giao diện duy nhất cho nhiều hệ thống khác nhau. Bên cạnh đó, cơ chế này giúp trao đổi thông tin thương mại đơn giản hoá, giúp quy trình làm giấy tờ thương mại nhanh chóng hơn. Do đó giúp giảm bớt những sai sót, cải thiện hiệu năng, chi phí kinh doanh thấp hơn và cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Ông Ken Arakawa - Cố vấn đầu tư cao cấp Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro: “Tìm hiểu kỹ bạn hàng”
Đối với việc xuất khẩu, tìm hiểu kỹ bạn hàng của mình là một trong những bí quyết đảm bảo công việc kinh doanh xuất khẩu thành công. Để đảm bảo giữ quan hệ kinh doanh lâu dài và bền chặt, Việt Nam đã rất quan tâm đến thị hiếu và nhu cầu của thị trường Nhật Bản như coi trọng chữ tín và chất lượng sản phẩm, ý thức sinh thái và bảo vệ môi trường rất cao… Đây chính là chìa khoá thành công cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Không chỉ với đối tác Nhật Bản, với mọi đối tác khác, khi xuất khẩu, việc tìm hiểu chính xác nhu cầu và thị hiếu của bạn hàng là một nguyên tắc tất yếu để dẫn đến thành công.
Ông James Lockett - Cố vấn pháp lý Dự án Star, Baker & McKenzie, LLP Hà Nội: “Xác định và ứng phó với các khiếu kiện chống bán phá giá ở nước ngoài”
Chống bán phá giá (CBPG) là việc các nhà sản xuất nước ngoài điều tra về việc áp dụng giá bán (bán sản phẩm với giá thấp bất hợp lý) gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất trong nước của các quốc gia khiếu kiện đó.
Việt Nam phải chú ý đến những thị trường khá giống với mình như Trung Quốc. Bởi nếu nước này bị kiện về một vụ việc gì đó, hãy cẩn thận vì Việt Nam rất có thể cũng bị kiện với một vụ việc giống như thế.
Để tránh việc bị khiếu kiện, điều quan trọng với các doanh nghiệp là phải tìm hiểu kỹ về các vụ việc phá giá trong ngành của mình như qua trang web của VCCI; Danh mục của EU về các vụ việc được cập nhật hàng tuần; Trang web của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, USITC, Ấn Độ…; Tìm hiểu các thông tin trong các ấn phẩm thương mại và các nguồn trong ngành; Tìm hiểu các dữ liệu thương mại. Hãy cẩn trọng nếu hàng nhập khẩu vào thị trường xuất khẩu của bạn đang tăng đáng kể…
Khi đã vướng phải các vụ kiện này, phải nhanh chóng tính toán các chi phí, mời những luật sư có kinh nghiệm với các vụ việc này và xem xét cách tiến hành công việc. Bên cạnh đó, hãy duy trì quan hệ tốt với các nhà điều tra và coi việc khiếu kiện CBPG như một cuộc kiểm toán để chứng minh cho công ty mình trong tương lai.
 Đối mặt với suy thoái kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định: “Chính phủ đã quyết định tăng hỗ trợ về xúc tiến thương mại lên gấp đôi so với năm 2008 (năm 2008 là khoảng 80 tỷ USD), giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tăng số lượng hợp đồng. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan tham mưu trong xúc tiến thương mại cũng được nâng cao. Phạm vi các đối tượng được hưởng hỗ trợ xúc tiến thương mại đang dần được mở rộng”. Đến thời điểm này, hiệu quả của các gói kích cầu kinh tế cũng đang dần phát huy tác dụng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính cho dù có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định: “Đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội”. Giữ vững phát triển trong suy thoái chính là sự khẳng định hùng hồn rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tham gia cuộc chơi cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.

(Theo Phương Lan // Báo Kinh tế Việt Nam )

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Chỉ số giá tiêu dùng khó tăng đột biến
  • Hệ thống bán buôn và bán lẻ: còn xa điểm bão hòa
  • Thái Lan mở kho bán gạo sẽ không ảnh hưởng tới Việt Nam
  • Bộ Công Thương làm khó doanh nghiệp?
  • Dự báo cân đối cung cầu một số mặt hàng trọng yếu năm 2009
  • Phân urê giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
  • Trung Quốc và sự dịch chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu
  • 4 điểm đáng chú ý về xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo