Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam trong năm 2010 có thể sẽ khá hơn, tạo ra điều kiện tốt hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong mắt của cộng đồng quốc tế thì Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc đối phó với tác động của cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu với những kết quả ấn tượng trong điều hành kinh tế. Thành công đó được minh chứng rõ nhất bằng những kết quả rất cụ thể của cả năm, nổi bật nhất chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự kiến đạt khoảng 5,2%. Mặc dù đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nếu so trong những năm gần đây, nhưng xét về tổng thể, Việt Nam là một trong 12 nền kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng dương trong năm nay.
Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công này nhưng những nỗ lực trong xuất khẩu 2009 có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm.
Đan xen những mảng sáng và tối
Có thể xem“bức tranh” xuất khẩu năm 2009 là sự đan xen giữa những điểm sáng và tối. Đó là bên cạnh sự vượt trội về lượng của một số mặt hàng đơn cử như gạo (xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt hơn cả năm 2008), là sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch của nhiều nhóm hàng. Đó là hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều gia tăng về số lượng trung bình trên 10% nhưng lại gặp bất bợi khi mức giá chỉ bằng 40% của năm 2008. Chính điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm sút.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu của 2009, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, do sụt giảm về giá nên giá trị xuất khẩu chưa đạt như mục tiêu. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể nhiều nước trong khu vực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đều giảm 20- 30%. “Nói điều này để thấy dù có nhiều hạn chế nhưng sự nỗ lực của các Bộ, ngành, doanh nghiệp là rất lớn. Đó là kết quả đáng trân trọng của năm nay”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận xét.
Giá sụt giảm chính là lý do xuất khẩu năm 2009 tăng mạnh về lượng, nhưng giá trị kim ngạch tăng không tương xứng. Cụ thể, 11 tháng của năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 51 tỷ USD. Dự kiến tháng 12 này, chúng ta sẽ xuất khẩu được khoảng hơn 5 tỷ USD nữa. Như vậy cả năm, cả nước kim ngạch xuất khẩu ước khoảng hơn 56,5 tỷ USD.
Nhìn vào xuất khẩu thì thấy một số mặt hàng phát triển tương đối tốt, vượt cả kế hoạch, ví dụ như hạt tiêu tăng hơn 5%, đặc biệt gạo đã tăng tới 24,4% so với kế hoạch, than đá và dầu thô cũng duy trì được kim ngạch. Xuất khẩu nông sản được xem là thành công khi tính đến thời điểm hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt khoảng 15 tỷ USD, trong đó nông sản đạt trên 8 tỷ USD, thủy sản trên 4 tỷ USD, lâm sản trên 2 tỷ USD. Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, mặt hàng dệt may đã gần chạm đích khikim ngạch có thể đạt 9,1 tỷ USD, da giầy đạt khoảng 4,1 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ với nhiều nỗ lực ước đạt 2,7 tỷ USD, chỉ thấp hơn năm 2008 khoảng 100 triệu USD.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để giữ được khách hàng, duy trì sản xuất, ngành Dệt may đã áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt như: kêu gọi các doanh nghiệp tìm mọi cách để tiết giảm các chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm đơn hàng và giữ khách hàng. Chủ động mời các khách hàng lớn vào Việt Nam để tổ chức gặp gỡ với các nhà sản xuất. Trên cơ sở đó có thêm cơ hội giao thương, ký thêm hợp đồng. Do vậy, ngành Dệt may chỉ gặp khó khăn trong quí I, từ sau đó, tình hình được cải thiện, khách hàng cũ tiếp tục đặt hàng, kim ngạch tăng dần. Kim ngạch 11 tháng năm 2009 đã đạt 8,23 tỷ USD, chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Tuy vậy, trong bức tranh xuất khẩu, có nhiều mặt hàng bị giảm mạnh như mây tre đan, cói thảm, đồ gốm sứ, dây cáp điện, túi xách. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng giảm như thuỷ hải sản chỉ bằng 73,1% so với kế hoạch, hạt điều bằng 89%.... Điều này chứng tỏ kinh tế thế giới tuy đã phục hồi nhưng sức mua chưa đủ mạnh, chưa thật sự ổn định, đặc biệt đối với một số mặt hàng có giá trị cao thì nhu cầu bị tiết giảm.
Một điều nữa có thể thấy là giá xuất khẩu năm 2008 rất cao. Do đó, năm 2009 rất khó để đạt được mức giá như năm 2008. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng, nhưng lại giảm về kim ngạch. Vì vậy với kim ngạch xuất khẩu đạt được 56,5 tỷ USD cũng là một sự cố gắng lớn của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế vừa qua.
Năm 2010, doanh nghiệp cần chủ động hơn
Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hoà, đơn vị chuyên xuất khẩu cà phê cho biết, theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam trong năm 2010 có thể sẽ khá hơn, tạo ra điều kiện tốt hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do tăng trưởng kinh tế thế giới, sự phục hồi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, SNG và Nga. Gần đây Trung Quốc đang cố gắng giảm thuế nhập khẩu hàng hoá từ ASEAN, đây là một cơ hội mà doanh nghiệp cần tận dụng…
Trong bối cảnh thuận lợi của năm 2010, đã có nhiều đề xuất là các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong xuất khẩu với nhiều gợi ý.
Thứ nhất là cần tìm cách mở ra những thị trường mới không quá phụ thuộc vào những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Thị trường châu Phi, Trung Đông, châu Đại Dương và ngay cả thị trường châu Á được đánh giá phục hồi rất nhanh.
Thứ hai, kinh tế thế giới trong năm 2010 còn trồi sụt, chưa thật vững chắc, theo dự báo có khả năng tăng trưởng khoảng 3,2%.
Thứ ba, có nhiều mặt hàng có khả năng phát triển xuất khẩu trong năm 2010 như cao su. 80% lượng cao su tự nhiên được dùng cho ngành công nghiệp lắp ráp ôtô và thị trường ôtô năm 2010 là phát triển, trong khi đó, khả năng cung cấp cao su của nhiều nước trên thế giới là giảm, cho nên nhu cầu tăng, lượng cung giảm, vì vậy giá cao su sắp tới tương đối tốt. Mặt hàng gạo có khả năng phát triển tốt, vấn đề là chúng ta làm thế nào bán ở giá tốt nhất, lựa chọn đơn hàng và đấu thầu một cách thông minh để chọn được giá tốt.
Trong nội bộ doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn tới ghìm giá nhau hoặc giảm giá đi để bán lấy được, mang lại thiệt hại lớn cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý thêm là năm 2010 có rất nhiều rào cản và những quy định mới của các thị trường xuất hiện. Ví dụ dệt may đến năm 2010 các nhà đặt hàng chỉ nêu ý tưởng, chúng ta phải thiết kế, như vậy đòi hỏi vai trò doanh nghiệp lớn, giữ vai trò đầu tàu, những doanh nghiệp nhỏ sẽ coi như quy tụ xung quanh để giải quyết việc này. Thị trường EU sẽ đưa ra những rào cản rất khó vượt qua cho ngành thủy hải sản, như quy định truy xuất nguồn gốc thủy hải sản đánh bắt… Chúng ta cũng không loại trừ một số biện pháp mang tính chất bảo hộ của một số thị trường và đưa ra thông tin xấu như trong việc xuất khẩu cá tra, cá basa thời gian qua, nên cũng phải đề phòng./.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com