Kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế tại các công ty nhập khẩu, kinh doanh sữa một lần nữa cho thấy giá sữa ở VN cao một cách phi lý là vấn đề không còn phải bàn cãi.
Nếu các doanh nghiệp lớn của nhà nước nhập sữa về bán đúng giá, giá sữa ngoại trong nước có thể giảm.
Ảnh: N.HỮU
Mới làm rõ thực trạng
Theo ông Nguyễn Kim Liên, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, kết quả thanh tra cho thấy giá sữa nhập khẩu giảm từ năm 2008, trong khi đó thuế nhập khẩu ổn định (đã tính biến động tỉ giá) nhưng giá bán sữa trên thị trường lại tăng so với trước.
Nguyên nhân do các doanh nghiệp đã chi quá nhiều cho tiếp thị, quảng cáo, chi phí quản lý, lương... Song ông Liên cho biết Thanh tra Bộ Tài chính chưa thể kiến nghị các biện pháp mạnh vì chưa có các chế tài điều chỉnh các hành vi này. Ví dụ, chi phí quảng cáo được khống chế 10% nhưng cả 3 công ty được thanh tra đợt này đều chi vượt nhiều lần, cơ quan chức năng không thể kiến nghị thu hồi hay xử phạt mà chỉ có thể yêu cầu trừ phần vượt khung vào lợi nhuận sau thuế.
Trả lời câu hỏi giá sữa bán ra cho các nhà phân phối của Công ty TNHH Nestlé VN thường tăng gấp đôi so với giá nhập khẩu có được coi là giá bán bất hợp lý, ông Nguyễn Kim Liên giải thíchtheo quy định hiện hành, không can thiệp được vì doanh nghiệp được quyền quyết định giá theo thị trường.
Thanh tra Bộ Tài chính chỉ có thể đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp tiết giảm hợp lý các chi phí đang ở mức cao để có cơ sở giảm giá bán. “Sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Nhưng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa có vốn Nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng đăng ký giá bán các sản phẩm này nên chưa có cơ sở để can thiệp khi thấy giá bán trên thị trường bất hợp lý. Cho nên cần thanh tra để làm rõ thực trạng, làm cơ sở để đưa ra các biện pháp quản lý tốt nhất”- ông Nguyễn Kim Liên nói.
Lấy giá trị giá
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó trưởng Phòng Chính sách giá Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính, cho biết theo Nghị định 75, các mặt hàng sữa phải đăng ký giá bán nhưng Thông tư 104 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 75 lại quy định doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước trong vốn điều lệ mới phải đăng ký giá đối với sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi nên doanh nghiệp đều “né” tỉ lệ vốn theo hướng có lợi cho mình.
Theo Thông tư 227 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá vừa được Bộ Tài chính ban hành, từ ngày 12-1-2010, tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa và các mặt hàng thiết yếu khác sẽ phải đăng ký giá với Nhà nước. Như vậy, sẽ có cơ sở tốt hơn để quản lý giá sữa.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội (nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), cho rằng các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa tìm được biện pháp kìm giá sữa. Trong số các bất hợp lý mà Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra, cần xác định xem có vấn đề gì xử lý được thì làm ngay.
Qua việc tự tung,tự tác giá sữa của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mới thấy vai trò của các doanh nghiệp thương mại Nhà nước rất mờ nhạt, dù các TP lớn như Hà Nội và TPHCM đều có tổng công ty thương mại, vốn Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, mạng lưới phân phối rộng khắp và được nhiều ưu đãi. “Nếu các bộ chỉ đạo ngay các tổng công ty này nhập sữa về bán khắp mạng lưới với giá thấp, lấy giá cả để áp đảo giá cả, bảo đảm kéo được giá sữa xuống”- ông Phú phân tích.
Lách luật Theo ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, cơ quan có trách nhiệm quản lý giá cả hàng hóa, trong đó có mặt hàng sữa, QLTT chỉ kiểm tra, kiểm soát thị trường xem họ có niêm yết giá, có bán đúng giá niêm yết hay không, nếu vi phạm sẽ xử lý. Trường hợp tăng giá bất thường (có mức tăng một lần vượt quá 18%) theo quy định thì bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế không thể nào xử lý được, do nhiều hãng sữa không bao giờ điều chỉnh tăng cao một lần mà họ điều chỉnh tăng nhiều lần, mỗi lần tăng 5%- 7% hoặc tối đa 15%. |
(Theo N. Hải - Phương Anh // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com