![]() |
Lắp ráp xe gắn máy ở nhà máy của Công ty Suzuki Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Lợi thế mà các nhà xuất khẩu Việt Nam được hưởng khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực từ 1-10 là khá rõ. Nhưng với các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, việc VJEPA được thực thi chỉ được xem như liều thuốc bổ nhẹ, nếu so sánh với những tác động tích cực khác của nhiều chính sách trong lộ trình mở cửa, thực hiện các cam kết thương mại quốc tế mà nhà đầu tư Nhật đã và đang tìm cách tận dụng tại thị trường này.
Thuốc bổ đến đâu?
Có 2.586 dòng thuế trong tổng số 8.873 dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản sẽ được Việt Nam xóa bỏ kể từ 1-10, trong cam kết cắt giảm thuế đợt đầu tiên của VJEPA. Xét về số lượng, con số này thấp hơn cam kết xóa bỏ thuế quan trong năm đầu tiên cho 7.220/9.100 dòng thuế cho hàng Việt Nam vào thị trường Nhật.
Với phía Nhật, 88% tổng dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản sang Việt Nam sẽ được giảm trong vòng 10 năm và 93% tổng số dòng thuế sẽ được giảm trong vòng 16 năm nhưng mức giảm nhanh và mạnh cũng chỉ dành cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, vốn không phải là thế mạnh xuất khẩu của Nhật so với dòng sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị hay ô tô nguyên chiếc mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ quốc gia này.
Cũng theo cam kết, đến năm 2018 thì thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất qua Nhật Bản sẽ giảm dần xuống mức 2,8% so với mức 7% của hàng hóa Nhật vào Việt Nam tính đến thời điểm cùng kỳ.
Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có vẻ sẽ có lợi hơn khi VJEPA được thực thi, so với những gì mà gần 1.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam có thể nhận được.
Tuy nhiên, chắc chắn là không dễ để các doanh nhân Nhật Bản chấp thuận một bản Hiệp định tự do thương mại thứ 10 với mức cam kết cao nhất của Nhật dành cho một nước thành viên ASEAN mà phần có lợi hơn lại nghiêng về phía đối tác, nhất là khi bản hiệp định đã kéo dài qua hai năm đàm phán.
“VJEPA ít tác động và sẽ không tác động nhiều đến chúng tôi khi gia nhập thị trường Việt Nam thời gian đầu vì chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác, nhà cung cấp ngay chính tại thị trường Việt Nam, thay cho việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, máy móc từ Nhật Bản hay các nước khác”, lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản tại khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) nói với TBKTSG.
Cũng vị này nói thêm “VJEPA cũng sẽ làm cho việc kinh doanh giữa hai nước dễ dàng hơn nhưng đó không phải là cánh cửa mở toang những thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật khi kinh doanh tại Việt Nam, nếu đem so với các chính sách thương mại quốc tế khác mà Việt Nam đã và đang đồng thời phải áp dụng khi là thành viên của WTO, ASEAN”.
Nhiều tính toán đa dạng
E ngại của nhiều người quan tâm đến VJEPA là khi bản hiệp định được thực thi với lộ trình cắt giảm thuế như vậy, liệu các doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam có chuyển hướng từ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất (điều mà Việt Nam luôn mong muốn) sang làm các doanh nghiệp, trung gian thương mại hay không? Hay nói khác đi là sự thuận lợi mà VJEPA mang lại có khiến cho các doanh nghiệp Nhật Bản thay vì sản xuất chuyển sang nhập khẩu hàng Nhật và gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất trong nước hay không?
Câu trả lời là trong số gần 1.300 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam, sẽ có một bộ phận doanh nghiệp chuyển hướng theo cách này nhưng không phải là số đông. Và nếu có, thì việc chuyển hướng kinh doanh vì những tính toán cụ thể, sát thực với từng doanh nghiệp, ngành hàng hơn là dựa vào những ưu đãi mà VJEPA mang lại.
Một lý do khác, các doanh nghiệp Nhật Bản vốn có thế mạnh trong việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, máy móc, thiết bị... ra nước ngoài. Nhưng nhóm các mặt hàng này, theo cam kết của Việt Nam trong VJEPA thì mức độ cắt giảm và lộ trình cắt giảm lại ít và thời gian kéo dài, từng bước một nên cũng không phải vì VJEPA mà họ có thể chuyển hướng kinh doanh hoàn toàn được.
Theo phân tích của một chuyên gia xúc tiến đầu tư Nhật Bản, lý do lớn nhất mà năm 2008, các doanh nghiệp Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam sau Đài Loan không phải là việc đón đầu Hiệp định VJEPA.
“Việc Việt Nam thực thi cam kết WTO mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ đầu năm 2009, đồng thời cho phép các doanh nghiệp nước ngoài nói chung được chuyển từ hình thức văn phòng đại diện, liên doanh sang chi nhánh công ty, công ty 100% vốn nước ngoài và được quyền bán hàng, phân phối trực tiếp, không phải qua trung gian như trước mới là yếu tố quyết định đến việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản”.
Một thực tế khác, sở dĩ các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục hướng đến việc đầu tư sản xuất tại Việt Nam thay vì chuyển hướng theo những ưu đãi từ VJEPA, là vì Việt Nam hiện vẫn được xem là cứ điểm sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, là ưu tiên số một khi người Nhật lựa chọn địa điểm chia sẻ rủi ro, đa dạng hóa địa điểm đầu tư trong chiến lược “Trung Quốc+1” (theo một nghiên cứu về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản được phía Nhật công bố hồi tháng 3 năm nay tại TPHCM).
Hiện tại, một trong những biện pháp ưu đãi đầu tư của Việt Nam là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại đây được tạm nhập, tái xuất và miễn thuế các thiết bị, nguyên vật liệu để lắp ráp, hoàn thành trước khi xuất đi nước thứ ba.
Điều này còn có giá trị lớn hơn nhiều những cam kết mà VJEPA có thể mang lại.Ngay cả ở lĩnh vực điện tử, việc Sony thành lập Sony Electronis Việt Nam (100% vốn nước ngoài) vào cuối năm 2008, trước đó là Panasonic và mới nhất là Công ty Điện tử Sharp Việt Nam cũng đi theo mô hình nhập khẩu thay thế dần cho việc sản xuất khiến dư luận e ngại về xu hướng này, nhất là khi có thêm những tác động từ việc hạ thuế theo VJEPA.
Nhưng theo ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, VJEPA chưa có tác động lớn trong lĩnh vực này. “Hiện có hai xu hướng xảy ra trong các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Hướng thứ nhất như mô hình kinh doanh của Sony, Panasonic vào Việt Nam đầu những năm 1990, hưởng bảo hộ và nay hết bảo hộ thì giảm dần tiến đến ngừng sản xuất, chuyển qua thương mại, dịch vụ nhập khẩu. Hướng thứ hai là nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các dự án lớn, như Canon chẳng hạn, để đa dạng các mặt hàng sản xuất cho xuất khẩu”.
Theo phân tích của ông Hùng, cũng tương tự như nghiên cứu của người Nhật, ở Việt Nam hiện nay giá thuê đất, nhân công vẫn rẻ hơn nhiều nước ASEAN. Còn ở Trung Quốc, cứ điểm sản xuất lớn của người Nhật, giá thuê đất hiện nay có thể thấp hơn Việt Nam nhưng chi phí sản xuất lại cao hơn do Trung Quốc đang thắt chặt môi trường đầu tư, lương tối thiểu được quy định cao hơn khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã quay sang chọn Việt Nam để tiết kiệm chi phí.
Chuẩn bị cho sự cạnh tranh khác
Trong ngành thép, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, không có gì đáng ngại với lộ trình giảm thuế (thép tấm cán nguội và thép tấm tráng kẽm) vì thị trường Việt Nam đang dư thừa công suất. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp Nhật đang liên doanh với Trung Quốc sản xuất thép cán nguội tại Bà Rịa - Vũng Tàu (dự án mới được cấp phép trong tháng 8 vừa qua có tổng số vốn đầu tư 1,148 tỉ đô la Mỹ) nên các doanh nghiệp thép trong nước sẽ lo ngại sự cạnh tranh trực tiếp tại thị trường hơn là việc cắt giảm thuế theo VJEPA.
Phía các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là các liên doanh ô tô với Nhật, theo một đại diện của Phòng Kế hoạch thị trường Toyota Việt Nam, nơi này cũng đang tính toán, so sánh lợi ích giữa việc nhập khẩu từ Nhật với việc nhập khẩu từ nước thứ ba mà người Nhật có đặt nhà máy hoặc nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác.
“Theo tính toán ban đầu của chúng tôi, mức giảm thuế trong đợt cam kết đầu tiên còn ít và lộ trình cắt giảm cũng dài nên cũng không tác động nhiều đến việc có thể cắt giảm chi phí, hạ giá thành với các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước”, vị này nói.
“Nếu chỉ hạ giá thành được vài cent cho một linh kiện mà giá trị linh kiện trong dây chuyền sản xuất không lớn thì chắc chắn các doanh nghiệp không thay đổi vì ngoài thuế nhập khẩu, chi phí nhập khẩu cho một loại linh kiện cũng phải được tính vào giá thành. Vài cent từ giảm thuế thu được mà phải thay đổi cả hệ thống khai báo hải quan thì có thể không cần thiết”, vẫn vị này phân tích.
Trong ngành sản xuất ô tô, các doanh nghiệp Nhật hiện đang chuẩn bị tính toán trước cam kết giảm thuế trong Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực Tự do thương mại ASEAN sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2013. CEPT cho phép giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN xuống còn 60% trong vòng hơn ba năm tới.
Tính “cạnh tranh” của CEPT còn mạnh hơn vì VJEPA không ưu đãi đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật. Vậy với doanh nghiệp Nhật, VJEPA không phải là tất cả lời giải cho toàn bộ bài toán đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Song, có lẽ lớn hơn câu chuyện giảm thuế, VJEPA giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh giữa hai nước ngày càng trở nên minh bạch, thuận lợi hơn.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com