Theo ông Bảy, thời gian qua, tình hình xuất khẩu gạo trầm lắng do từ cuối 2009 đến hết tháng 2/2010, giá các hợp đồng thương mại tiếp tục bị thương nhân ép giá. Do vậy, quan điểm của VFA là phải giữ giá ổn định để tạo điều kiện giao dịch, vì nếu điều chỉnh giá thường xuyên sẽ gây tâm lý chờ giá xuống, trong khi giá gạo Việt Nam đã thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Pakistan.
Năm 2010, các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống. Tuy vậy, rất khó dự báo lượng gạo các nước sẽ mua vào, bởi động thái nhập khẩu không rõ ràng, các nước nhập khẩu đều chờ tình hình mùa vụ, giá cả.
Cụ thể, hàng năm, lượng gạo châu Phi nhập từ Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn, song từ đầu năm đến hết tháng 2, châu Phi không có bất cứ thông tin nào về việc mua gạo Việt Nam. Đây là một trong số các nguyên nhân khiến tình hình xuất khẩu gạo không sôi động trong những tháng đầu năm. Phải đến đầu tháng 3, châu Phi mới bắt đầu cho biết kế hoạch nhập khẩu gạo.
"Nhu cầu mua là rất rõ, song châu Phi vẫn đủng đỉnh vì muốn mua với giá thấp", ông Bảy nói và cho biết, hiện lãnh đạo VFA và một số doanh nghiệp thành viên đang bàn bạc để đi tới thống nhất về vấn đề giá cả với đối tác châu Phi.
Bên cạnh đó, Philippines cũng đưa ra kế hoạch mua 200.000 tấn gạo từ Việt Nam (trong số 600.000 tấn nước này sẽ mua tại đợt mở thầu vào cuối tháng 3 tới). Trước đó, Philippines đã ký hoạt động nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo của Việt Nam
Ngoài ra, Iraq thông báo sẽ tổ chức đấu thầu mua tiếp 250.000 tấn gạo, góp phần tích cực cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam
Tuy nhiên, ông Bảy cho rằng, cần đánh giá lại các thị trường và có biện pháp cụ thể để đạt được thị phần cao nhất.
Về thị trường trong nước, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên của VFA đã mua được khoảng 300.000 tấn, trong tổng số 1 triệu tấn gạo dự trữ theo kế hoạch.
Theo chỉ đạo của VFA, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua dự trữ cùng với việc mua lúa của vụ sản xuất vụ Đông - Xuân 2010, với lượng gạo hàng hóa ước đạt khoảng trên 3 triệu tấn.
"So với thời điểm tháng 2/1010, hiện giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến đáng kể, với giá mua lúa khô là 4.100 - 4.300 đồng/kg", ông Bảy nói và cho biết, sau đợt thu mua này, nếu giá cả không được cải thiện nhiều, VFA sẽ tiếp tục mua tạm trữ đợt II để ổn định thị trường
Theo báo cáo của VFA, trong những ngày đầu tháng 3/2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 50.000 tấn gạo. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu đạt trên 750.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ 2009 khoảng 300.000 tấn. Dự kiến, trong quý I/2010, lượng gạo xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn.
"Do diễn biến của thị trường gạo năm nay khá phập phồng, khó dự đoán, nên việc xuất khẩu sẽ căn cứ vào tình hình thị trường để có các quyết định cụ thể. Quan điểm của VFA là kiên quyết không bán gạo, nếu giá xuống quá thấp", ông Bảy khẳng định.
Theo báo cáo, hiện giá gạo 5% của Việt Nam là 440 USD/tấn, cao hơn so với cùng kỳ 2009 khoảng 40 USD/tấn../.
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com