Thanh long là một trong năm loại trái cây khi xuất sang Trung Quốc phải cung cấp nguồn gốc xuất xứ. |
Thế mạnh là quốc gia với nhiều đặc sản trái cây nhiệt đới nổi tiếng thơm, ngon, thế nhưng nhiều năm qua xuất khẩu trái cây Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng… không ổn định.
Buôn bán kiểu “hàng chợ” đã đẩy nông dân vào thế bị động, bị ép giá. Không ít lô hàng đành vứt bỏ ở cửa khẩu vì không tìm được bạn hàng. Sự kiện về việc yêu cầu ghi rõ xuất xứ nguồn gốc của 5 mặt hàng trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc từ 1/7 vừa qua có thể coi là một thách thức song cũng chính là cơ hội để các nhà vườn làm quen với phương thức kinh doanh buôn bán chuyên nghiệp hơn, tạo dựng thương hiệu uy tín cho trái cây Việt, tránh những thiệt thòi không đáng có cho cả nhà nông và doanh nghiệp.
Đến bây giờ mới nói tới chuyện xây dựng thương hiệu và đổi mới phương thức kinh doanh buôn bán trong xuất khẩu trái cây xem ra là đã muộn, khi cả 1 tuần nay, 5 mặt hàng trái cây của Việt Nam là vải thiều, dưa hấu, nhãn, thanh long và chuối muốn xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc phải khai rõ nguồn gốc xuất xứ vườn trồng và cơ sở đóng gói đã được đăng ký. Đây là một trong những nội dung cam kết về xuất nhập khẩu giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch Trung Quốc.
Có thể nói, Trung Quốc là một thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vì sự gần gũi về địa lý mà nhu cầu của thị trường này rất lớn với nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây nhiệt đới.
Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, năm 2008, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD về các loại nông sản. Riêng trái cây, mỗi năm chúng ta xuất khẩu sang nước bạn khoảng 270.000 – 300.000 tấn, đạt giá trị gần 100 triệu USD. Con số này sẽ không dừng lại nếu khâu thông thương buôn bán giữa hai nước được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn, bởi hiện tại khi vào vụ, khoảng 80% trái cây của Việt Nam vẫn tiêu thụ trong nước.
Việc xác định rõ xuất xứ nguồn gốc hàng hóa là bước khởi đầu trong việc thực hiện chiến dịch an toàn vệ sinh thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cam kết có hiệu lực thực hiện từ 1/7 vừa qua là một thách thức khá lớn cho 5 mặt hàng trái cây của ta. Tuy nhiên, qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi phương thức buôn bán với Trung Quốc, phải chuyên nghiệp hơn trong kinh doanh với những hợp đồng, hóa đơn, chứng từ đầy đủ, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc đăng ký “lý lịch” cho trái cây, nhất là đối với các nhà vườn, với bà con nông dân, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, chúng ta chỉ buôn bán theo kiểu hàng chợ, tức là cứ mang hàng lên biên giới gặp khách thì bán nên khó tránh khỏi bị ép giá và ứ đọng hàng tại cửa khẩu. Việc phó mặc tìm đầu ra cho tư thương hay các doanh nghiệp đầu mối đã khiến không ít nhà nông thiệt thòi phá sản. Bởi bản thân nhiều doanh nghiệp, hoặc chưa ý thức được lợi ích thiết thực của việc đăng ký, hoặc thiếu thông tin nên đến nay vẫn rất mù mờ, chưa triển khai.
Rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, làm quen để tiến tới chuyên nghiệp hóa trong việc xuất khẩu nông sản. Ngay từ bây giờ, người sản xuất và các địa phương, doanh nghiệp cần hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa lớn, áp dụng bộ tiêu chí GlobalGAP hoặc VietGAP trong quá trình thâm canh.
Tạo dựng thương hiệu sản phẩm chính là tạo dựng uy tín trong làm ăn buôn bán và qua đó cũng tạo vị thế chủ động, bình đẳng trong đàm phán kinh doanh với bạn hàng.
Phải nhìn nhận rằng, việc áp dụng thỏa thuận đăng ký cho trái cây từ ngày 1/7 không phải là áp lực trong xuất khẩu nông sản mà là xu thế tất yếu để hội nhập và chính là cơ hội để mở rộng sản xuất. Thực chất, các quy định đăng ký mà phía Trung Quốc yêu cầu cũng chính là tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP mà hiện nay nhiều nước đang áp dụng. Quy định này tuy mới mẻ đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng không có gì lạ đối với doanh nghiệp đã từng đưa hàng sang Châu Âu, Mỹ.
Việc xác định rõ yêu cầu về xuất xứ hàng hóa không chỉ thể hiện phương thức làm ăn chuyên nghiệp, mà qua đó còn khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm. Những nhà vườn, doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ không bị đổ tiếng xấu vì những lô hàng không chủ.
Việc đưa ra những tiêu chuẩn về hàng hóa tuy bước đầu là thách thức với người nông dân Việt Nam vốn vẫn quen với việc sản xuất tự phát, thiếu chuyên nghiệp trong buôn bán và thông thương hàng hóa, song về lâu dài sẽ tạo điều kiện để các nhà vườn có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường khác. Đó cũng chính là xu thế tất yếu khi chúng ta đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Làm được như vậy, chất lượng hàng nông sản không những được nâng lên, người tiêu dùng yên tâm hơn mà chính người nông dân cũng được lợi từ thành quả này./.
(Theo Tuyết Yến // VoVnews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com