Đồng euro suy yếu không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới 2010, cơ hội xuất khẩu và phát triển kinh tế địa phương” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
![]() |
Thủy sản, một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Ảnh: HOÀI THANH |
* Cơ hội tăng đầu tư FDI
Liên minh châu Âu gồm 27 nước, trong đó khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (E-Z) gồm 16 nước. Theo ông Lawrence Wolfe, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Chứng khoán Đông Á Quỹ đầu tư Đông Á: Thâm hụt ngân sách và nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ tại một số nước thuộc E-Z đã làm cho tỷ giá quy đổi EUR/USD chỉ còn 1,2 (một EUR chỉ ăn 1,2 USD) suy yếu đến 14% so với đầu năm, dự báo biên độ dao động cho năm 2010-2011 chỉ ở mức 1,1, nghĩa là đồng euro tiếp tục bị mất giá. Do lâm vào cảnh nợ nần chồng chất nên hầu hết các nước thuộc E-Z đang thắt chặt chi tiêu, hạn chế nhập khẩu đã làm ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu. Đối với Việt Nam, khu vực E-Z chỉ chiếm khoảng 12% kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu là nhóm mặt hàng nông - lâm - thủy hải sản, đây là những mặt hàng khó cắt giảm tiêu dùng. Mặt khác, khi đồng euro suy yếu thì hàng hóa nhập khẩu từ các nước E-Z sẽ rẻ hơn, đầu tư FDI từ các quốc gia E-Z vào Việt Nam có thể sẽ tăng vì Việt Nam là nền kinh tế mới nổi có nhiều tiềm năng, chi phí đầu tư thấp so với nhiều quốc gia khác.
* Tái cấu trúc để tăng lợi nhuận
Thị trường châu Âu hiện chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro sẽ chỉ ảnh hưởng ở mức thấp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Âu chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản... Đây là các mặt hàng có mức tiêu thụ khá ổn định. Theo ý kiến của một số tham tán thương mại Việt Nam tại các nước EU, để xuất khẩu của Việt Nam vào EU không bị giảm mạnh cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng là nhu yếu phẩm, nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến... Một khuyến cáo đáng lưu ý khác là các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình để tránh nguy cơ mất giá của đồng euro. |
Vấn đề Việt Nam cần làm gì để nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu là bài toán đang đặt ra cho nền kinh tế. Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp: từ năm 2000-2007, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 5% là hàng công nghệ cao, 10% là hàng công nghệ trung bình, 40% hàng nông thủy sản chưa qua chế biến, 27% là hàng công nghệ thấp. Điều đáng lưu ý là gần như cơ cấu xuất khẩu này không có gì thay đổi trong hơn 10 năm qua, chỉ số kinh tế tri thức thấp nhất khu vực, trong khi chúng ta có tiềm năng rất lớn về lĩnh vực này. Để tăng cường năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần vượt qua 3 rào cản quan trọng: đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thể chế. Các doanh nghiệp cũng cần đổi mới thiết bị công nghệ giảm tiêu tốn năng lượng trong sản xuất, bởi vì hiện nay để tạo ra 1USD của GDP. Việt Nam đã phải tốn lượng điện năng bằng 4,65 lần so với Hồng Công, 2,1 lần so với Hàn Quốc và khoảng 1,37-1,6 lần so với Thái Lan, Malaysia.
Đại diện cao cấp của Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Benedict Bingham tin tưởng sự hồi phục nhanh của kinh tế châu Á và Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong thời điểm này, Việt Nam cần cân nhắc thật kỹ khi sử dụng đồng vốn, ưu tiên đầu tư dự án hiệu quả nhất và phân định dự án nào thuộc khu vực công, dự án nào thuộc khu vực tư, cân đối tài sản, nợ Chính phủ; đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ để tăng cường nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực khác. Mặt bằng lãi suất tín dụng của Việt Nam cao hơn nhiều nước cũng là một bất lợi cho doanh nghiệp. Để kéo giảm lãi suất, Chính phủ phải có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững niềm tin cho người gửi tiền tiết kiệm, bởi nguồn vốn mà ngân hàng cho vay không phải của ngân hàng mà là của người gửi tiền.
(Theo PHƯỚC THỚI // Haugiang Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com