![]() |
Giá đường trong nước diễn biến thất thường do ảnh hưởng mạnh từ thị trường thế giới |
Hai tháng trở lại đây, giá đường trong nước diễn biến thất thường do ảnh hưởng mạnh từ thị trường thế giới. Trước sự bất thường này, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ cho nhập khẩu ngay 150.000 tấn đường, mặc dù đường tồn kho vẫn còn trên 170.000 tấn.
Sau khi giá đường tăng kỷ lục vào thời điểm đầu năm 2010, từ tháng 6 tới nay giá đường thế giới tăng cao ngất ngưởng với 500USD/tấn. Còn cách đây một tuần, giá đường thế giới đã tăng ở mức đỉnh điểm với 610,8USD/tấn (đường kính trắng London) thì ngày 19/7 vừa qua, con số này đã giảm xuống còn hơn 530USD/tấn. Như vậy chỉ sau sau 1 tháng, giá đường đã chênh lệch trên 110USD/tấn.
Tại thị trường trong nước tính từ đầu tháng 7 đến nay, đường mỗi ngày tăng một giá. Nếu như suốt quý 2/2010, giá đường tinh luyện bán lẻ trên thị trường phổ biến chỉ ở mức 16.000 -17.000 đồng/kg, thì hiện tại giá bán lẻ tại các chợ: đường vàng rời là 19.000 đồng/kg, đường tinh luyện từ 21.000-24.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg so với nửa tháng trước.
Nhận định về sự thất thường của giá đường, ông Hà Hữu Phái - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường nói: “Không chỉ Việt Nam mà cả với thế giới, năm nay là một năm mất mùa đối với mía đường. Nguồn cung giảm đáng kể trong khi nhu cầu tăng mạnh khiến không ít doanh nghiệp đầu cơ, chưa kể đây là thời điểm giáp vụ nên doanh nghiệp càng khan đường. Điều này càng có cớ khiến thị trường đường thay đổi liên tục”. Còn các đại lý kinh doanh đường cho rằng, ngoài những nguyên nhân là mía đường mất mùa thì nhu cầu đường để chuẩn bị cho dịp trung thu sắp tới cũng khiến giá đường trên thị trường trong nước tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Mía đường, đến 19/7/2010, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 172.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2009 khoảng 31.600 tấn. Đường tồn kho nhiều, song việc đề xuất nhập bổ sung 150.000 tấn đường khiến dư luận nghi ngờ về việc doanh nghiệp găm hàng chờ bán ra vào dịp cuối năm. Về vấn đề này, ông Hà Hữu Phái cho rằng: “niên vụ mía vừa qua do thời tiết thất thường nên năng suất đường chỉ đạt 900.000 tấn. Trong khi đó mỗi năm nước ta phải tiêu thụ từ 1,2 - 1,4 triệu tấn đường mới đảm bảo đủ nhu cầu. Việc nhập thêm 150.000 tấn đường bổ sung ngoài quota là hoàn toàn hợp lý, nhằm bình ổn thị trường và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ”.
Cũng theo ông Đoàn Xuân Hòa, hiện cán cân cung cầu đường trong nước đang quá chênh lệch. Dịp rằm tháng bảy, Tết trung thu, rồi Đại lễ một nghìn năm Thăng Long đang đến gần nên nhu cầu đường là rất lớn. Tính bình quân, chúng ta tiêu thụ mỗi tháng từ 80 - 100 ngàn tấn đường, vào những dịp cao điểm có khi còn hơn, vậy mà số lượng đường tồn gần như đã có chủ hết cả. Điều đó cũng lý giải vì sao giá đường bán lẻ ngoài thị trường đã lên đến 20.000 đồng/kg nhưng các đại lý vẫn không có mà bán.
Niên vụ 2010-2011, kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn đường của Việt Nam rất khó hoàn thành. Số liệu tổng kết từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và từ các công ty đường cho thấy, diện tích trồng mía tập trung để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy đường vụ ép 2010-2011 của cả nước là khoảng 250,8 nghìn ha, chỉ tăng 3,4% so với vụ ép trước. Tuy nhiên đợt hạn hán vừa rồi khiến mía ở miền Trung gần như cháy hết, nên sản lượng mía thu hoạch tới đây sẽ có nguy cơ giảm thấp.
Theo kế hoạch, trong số 150.000 tấn sẽ có khoảng 100.000 tấn sẽ được phân bổ ngay cho doanh nghiệp(75.000 tấn đường thành phẩm và 25.000 tấn đường tinh luyện), 50.000 tấn để dự phòng. Theo nhận định, của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ đường từ tháng 8 trở đi sẽ tăng cao và nếu nhập khẩu 150.00 tấn bổ sung như kế hoạch, nguồn cung sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Giá đường trong nước theo đó sẽ tiếp tục có khả năng duy trì ở mức cao như hiện tại và khó có thể đội lên thêm.
(Theo Huyền Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com