Đến ngày hôm qua (9.3), hàng nông sản, nhất là dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) không còn ách tắc trầm trọng như những ngày trước đó. Tuy nhiên, do lượng dưa hấu đổ về cửa khẩu vẫn còn quá nhiều nên bị dội chợ, hàng bán chậm, giá quá thấp và tỷ lệ hư thối nhiều.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một lái dưa ở cửa khẩu Tân Thanh cho biết, mặc dù không còn bị ách tắc kéo dài nhiều ngày, nhưng giá dưa hấu vẫn quá thấp so với những tháng cuối năm 2009, đầu 2010. Hiện nay, theo chị Hoa, giá dưa chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/kg. Nếu trừ phí vận chuyển thì giá trị mỗi ký dưa còn 800 – 900 đồng/kg.
![]() |
Dưa hấu dội chợ, bán đổ đống ở lề đường. Ảnh: Hồng Thái |
Thời điểm này nguồn dưa xuất sang Trung Quốc chủ yếu lấy từ Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai... Những vùng này trồng phổ biến giống dưa tròn 386 Trang Nông và giống dưa dài Mai An Tiêm. Nếu như hồi đầu vụ (giữa tháng 2.2010), giá dưa tròn tại ruộng ở mức 6.000 – 7.000 đồng/kg, nay còn dưới 2.000 đồng/kg. Ông Ba Chiến, một lái dưa chuyên nghiệp ở Nha Trang nói, mấy năm trước, nông dân trồng giống dưa tròn 386 Trang Nông ở Bình Định, Quảng Ngãi trúng lớn vì giá dưa bán tại ruộng lên đến 10.000 – 11.000 đồng/kg. Giá dưa cao nên nông dân đổ xô trồng. “Tui không nắm được sản lượng dưa tăng lên bao nhiêu nhưng thấy đã gần hết vụ mà dưa ngoài ruộng vẫn bạt ngàn”, ông Chiến nói.
“Việc các tỉnh trồng dưa tự phát, thiếu quy hoạch, lại chủ yếu xuất khẩu dưa tươi vào một thị trường nên gặp rủi ro là khó tránh khỏi”, bà Võ Mai, nguyên chủ tịch hiệp hội Trái cây Việt Nam đưa ra phân tích. Ngoài nguyên nhân thiếu quy hoạch, theo bà Mai, thì việc điều tra, phân tích nhu cầu thị trường cũng làm chưa đến nơi đến chốn. “Chúng ta không biết thị trường Trung Quốc ngày này, tháng này cần bao nhiêu trái cây, chủng loại, giá cả như thế nào để mà phổ biến cho dân trồng. Chưa nói đến việc hiện nay Trung Quốc cũng đã trồng được khá nhiều loại trái cây giống như ta, vậy sản xuất làm sao để khỏi đụng hàng cũng chưa thấy cơ quan nào thông tin”, ba Mai nói thêm.
Giá dưa liên tục rớt khiến cánh lái dưa lỗ thê thảm. Chị Hoa cho biết mình đã bị lỗ 500 triệu đồng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua. “Như chị là còn mất ít đó, chứ có người chỉ trong vòng ba bốn ngày bị ách tắc năm mười xe container không xuất được, dưa thối rữa, lỗ vài trăm triệu là chuyện thường”, chị Hoa nói.
Theo một số thương lái, giá dưa tại Tân Thanh lên xuống theo cung cầu. Thương lái thường mua dưa tại ruộng, sau đó thuê xe container chở ra cửa khẩu bán. “Lái dưa ở Việt Nam không quyết định giá bán mà do lái Trung Quốc áp đặt. Thị trường hút hàng thì họ trả giá cao, dư thừa thì trả thấp là đương nhiên. Cánh lái như bọn anh một khi đã cắt dưa đưa lên đây thì giá nào cũng phải bán hết”, anh Hải, một lái dưa ở cửa khẩu Tân Thanh phân trần.
Dội chợ là do mạnh ai nấy bán. “Người ta chỉ cần mỗi ngày 10 xe container nhưng mình đem lên tới 20 xe thì giá giảm, khó bán là đúng rồi”, anh Hải, một lái dưa ở cửa khẩu Tân Thanh đưa ra nguyên nhân để giải thích vì sao dưa dội chợ, giá giảm mạnh như vậy. Còn theo chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, những ngày cao điểm giữa, cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay, tại đây đón nhận tới trên 300 xe container hoa quả, chủ yếu là dưa hấu từ các tỉnh phía Nam đưa ra để xuất sang Trung Quốc, trong khi bến bãi cũng như thị trường chỉ đáp ứng khoảng 100 xe là tối đa.
(Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com