![]() |
Gạo VN rẻ do hạt gạo không đồng nhất, mau xuống mầu, không thương hiệu cũng như không thể truy nguyên nguồn gốc từ cánh đồng nào, tỉnh nào |
Gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp nhất nếu so với gạo cùng loại của các nước khác. Nhà nhập khẩu khó mua giá cao do chất lượng gạo VN không đồng đều.
Quả vậy, cho dù VN xuất khẩu gạo đã 20 năm, nhưng các DN VN, nhất là hai đầu mối lớn nhất Vinafood I và Vinafood II chỉ chú trọng thị trường giá thấp. Hiện nay, theo VFA, DN xuất khẩu gạo VN đang có nhiều cơ hội về giá cũng như thị trường, bởi Thái Lan đang thực hiện kiềm chế xuất khẩu gạo nhằm mục tiêu giữ giá nên lượng tồn kho còn khá lớn. Myanmar và Bangladesh mới tham gia thị trường gạo thế giới với những thông tin rất hạn chế về lượng cung. Tất cả điều này làm cho cả người bán và người mua trên thị trường thế giới đều “nhìn” nhau một cách thận trọng.
Hoạt động mua bán gạo trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi có tin Philippines cần nhập trên 2 triệu tấn gạo. Indonesia có thể hủy kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn gạo nếu hạn hán kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều môi giới, trung gian đang trả giá gạo của VN với mức 320-350 USD/tấn đối với gạo 3% (loại gạo có phẩm chất cao của VN với mục đích chính là thăm dò). Do đó, ông Trịnh Văn Tiến- chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp- nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) cho rằng trong ngắn hạn, giá gạo thế giới sẽ giữ ổn định ở mức thấp.
Tuy nhiên, nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay đang trên đà tăng có lợi cho VN đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Philippines vừa mở gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo. Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo với giá bán 480 USD/tấn.
Thêm vào đó, các nhận định về thị trường gạo thế giới hồi đầu năm đều có sai số lớn, nhất là nhận định Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới - sẽ sụt giảm sản lượng 16 triệu tấn vì hạn hán trong năm 2009 và có thể phải nhập khẩu 3 triệu tấn gạo trong năm 2010.
Nghịch lý ở chỗ, VN được xem là đang có tác động lớn đến thị trường gạo, không chỉ bởi VN xuất khẩu lượng gạo lớn thứ hai thế giới, mà còn do, Thái Lan - nước xuất khẩu lớn nhất - vẫn chưa bán ra số lượng lớn gạo tồn kho vì chính phủ nước này vẫn muốn giữ giá gạo Thái ở mức cao. Từ nay đến cuối năm, khả năng Thái Lan sẽ bán ra, nhưng gạo Thái và gạo Việt khác nhau (gạo Thái chất lượng cao) không có sự tranh chấp, nhưng giá gạo Thái lại cao hơn giá gạo của VN, với mức quá chênh lệch là 160 USD/tấn.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, DN VN vẫn có nhiều cơ hội về giá và lượng gạo xuất khẩu, nhưng giá vẫn bị "đứng chót" thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu của DN cũng như thu nhập của nông dân. Gạo VN rẻ do hạt gạo không đồng nhất, mau xuống mầu, không thương hiệu cũng như không thể truy nguyên nguồn gốc từ cánh đồng nào, tỉnh nào. Hiện nay, nông dân đã trồng nhiều giống lúa chất lượng cao, nhưng khi mua lúa, thương lái cũng như DN sợ tốn kém không phân loại ngay từ đầu để các loại chung với nhau. Khi xuất khẩu, các nước thường tính giá theo tỷ lệ tấm, không có giá riêng. Không như Thái Lan, họ chọn một số giống lúa đặc sản trồng để XK riêng, tuy sản lượng thấp nhưng bù lại họ xuất được giá cao.
Trong một thời gian tương đối ngắn, VN trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, từ lượng gạo xuất khẩu trung bình 4-5 triệu tấn gạo/năm đã tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn vào năm 2009. Tuy nhiên, cho đến nay các DN xuất khẩu vẫn chỉ muốn “ăn xổi”, có được hợp đồng mới mua gom gạo, giá càng rẻ càng lợi, chưa mấy người nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu, hoặc chưa hợp tác với nông dân tổ chức vùng lúa chuyên canh. Với cách làm “bóc ngắn, cắn dài” như vậy, thì gạo xấu bán rẻ là chuyện khó tránh khỏi.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com