Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, ở thời điểm hiện tại rất khó kiếm được những hợp đồng mới đặc biệt là hợp đồng thương mại.
Theo VFA, lượng hợp đồng ký xuất khẩu gạo chưa được nhiều. Hiện lượng gạo đã ký chưa xuất chỉ còn hai triệu tấn, giảm 18,5% so với cùng kỳ. Ngay cả những hợp đồng đã ký nhưng chưa được đối tác thực hiện do giá gạo tại thị trường thế giới có chiều hướng giảm.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, nhu cầu gạo tại châu Phi vẫn đang rất lớn, nhưng rất khó để có được những hợp đồng mới. Phần vì giá gạo vẫn ở mức cao so với khu vực này, phần khác, các nguồn tài chính hỗ trợ cho nơi đây chưa được “rót” vào do các nước giàu vẫn chưa thực sự hồi phục sau khủng hoảng kinh tế. Ông Bảy dự đoán, các đối tác châu Phi đang chờ đợi giá gạo giảm xuống để mua vào và thị trường sẽ sôi động trở lại vào cuối quý II năm nay. Thêm một khó khăn nữa tại thị trường châu Phi là từ nửa cuối năm 2009 đã xuất hiện thêm hai đối thủ cạnh tranh mới là Myanmar và Pakistan. Mặc dù chất lượng thua xa so với gạo Việt Nam, nhưng do giá chào bán thấp (khoảng 320 USD/tấn) nên nguồn gạo từ hai nước này đang chia dần miếng bánh thị phần ở châu Phi.
Hiện giá gạo xuất khẩu VFA đăng công khai trên mạng hướng dẫn các doanh nghiệp thương thảo ký kết hợp đồng vẫn là 470 USD một tấn (gạo 5% tấm). Các doanh nghiệp vẫn chờ những động thái tiếp tục nhập vào từ thị trường Ấn Độ và Indonesia.
Bảo đảm cho nông dân lãi 40% trong mọi trường hợp
Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL. Giá xuất khẩu giảm, tình hình giao dịch khó khăn khiến giá lúa tại khu vực này giảm, hiện giá lúa dao động từ 4.200 - 4.300 đồng một kg. Tuy nhiên, với mức giá này người trồng lúa vẫn có lãi trên 40%, vì theo tính toán của VFA giá thành làm ra một kg lúa trong vụ đông xuân chỉ khoảng 2.300 đồng.
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó tổng giám đốc Công ty lương thực miền Nam (Vietfood 2) cho biết, trong trường hợp giá lúa xuống dưới ngưỡng 4.000 đồng một kg, các thành viên trong hiệp hội sẽ mua vào dự trữ với số lượng lớn, đảm bảo cho người trồng luôn duy trì được mức lợi nhuận trên 40%. Đồng thời, từ năm nay, VFA cũng sẽ thay đổi phương thức thu mua lúa của nông dân tại ĐBSCL bằng cách tổ chức đội ngũ thương lái, nhà máy xay lúa thành các câu lạc bộ, tổ, nhóm… hoạt động như “lực lượng vệ tinh” cho các doanh nghiệp. Đội ngũ này sẽ vẫn đảm nhiệm công việc như trước đây là đi thu mua lúa về giao lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng không được phép đưa ra mức giá thu mua mà phải tuân theo giá do VFA đưa ra. Sau đó, doanh nghiệp sẽ chi tỷ lệ % cho thương lái, hoặc nâng giá thu mua cho thương lái cao hơn mức giá thu mua của nông dân. Cách làm này theo VFA là có thể hạn chế tình trạng thương lái ép giá người nông dân.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com