![]() |
Hàng nông sản vẫn có lợi thế cạnh tranh cao |
Năm 2010 được coi là năm mà xuất khẩu (XK) sẽ phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, sức mua của các thị trường sẽ tăng trở lại. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra chỉ tiêu XK năm 2010 đạt ngưỡng 60 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2009. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể đạt được mục tiêu này cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia kinh tế VN cần tận dụng mọi thế mạnh của mình, gia tăng hàm lượng giá trị cho sản phẩm XK. Đặc biệt cần quan tâm đến hàng nông sản, bởi đây là mặt hàng có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Cùng với đó là sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh các dự án trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng tối đa thế mạnh về lao động trẻ hiện có trong nước...
Hướng tới thị trường 153 nước thành viên WTO
Đánh giá về những điểm mạnh của hàng hoá XK VN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho rằng: "Trong XK, chúng ta có lợi thế về hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản nhiệt đới. Chúng ta phải bám lấy lợi thế cạnh tranh này để phát triển. Có thể trong nhiều năm tới, hàng nông sản VN vẫn có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Lợi thế thứ hai là chúng ta có nhiều lao động trẻ (độ tuổi vàng), đặc biệt là trong những lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động. Tuy nhiên, các DN cần phải chú trọng việc gia tăng hàm lượng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, VN nằm ở trung tâm Đông Nam Châu Á nên có nhiều lợi thế về địa lý. Với nhiều cảng nước sâu, có thể thành lập các khu công nghiệp để sản xuất và XK hàng hoá. Do đó, DN nên tận dụng lợi thế để nâng cao khả năng cạnh tranh với các thị trường XK khác".
Đồng quan điểm này, giám đốc một DN XK dệt may cho rằng, năm 2010 VN có nhiều cơ hội tăng trưởng XK, khi mà đa số các quốc gia đều điều chỉnh tăng trưởng GDP, sức mua của các thị trường chắc chắn sẽ tăng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế thứ hai cũng sẽ có tác động rất lớn tới việc XK. Tuy nhiên, điều mà vị giám đốc này lo lắng đó là nếu không có giải pháp tốt thì năm 2010, vấn đề nhập siêu cũng sẽ khó tránh khỏi. Bên cạnh đó làm thế nào để tăng hàm lượng giá trị XK trong các sản phẩm cũng là điều mà các DN VN cần chú ý.
Để các giải pháp đẩy mạnh XK đi vào thực chất, Bộ Công Thương đã "trình làng" trên 200 đề án xúc tiến thương mại trong năm 2010 với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 250 tỷ đồng, tăng 45% so với thực hiện năm 2009. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh XK bộ này đã đưa ra các giải pháp, đó là: sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh các dự án trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng hoạt động XTTM; đồng thời khuyến nghị DN không nên tập trung vào một thị trường mà phải đa dạng hoá thị trường và sản phẩm. Đặc biệt sẽ tận dụng tối đa thuận lợi từ các hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương; xây dựng kênh phân phối một số mặt hàng XK mà VN có thế mạnh.
Phát huy các mặt hàng thế mạnh XK
Dệt may - ngành được coi là một trong những "đại gia" XK của VN được cho là có rất nhiều dấu hiệu sáng sủa cho XK. Đánh giá về tình hình XK dệt may năm 2010, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN cho biết, mục tiêu XK của ngành dệt may năm 2010 được đặt ra ở mức 10 - 10,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2009. Theo ông Ân, cơ sở để ngành đặt mục tiêu tăng trưởng là do dấu hiệu đơn đặt hàng từ hai thị trường chủ lực hiện nay là Mỹ và EU đã khôi phục khá mạnh. Nhiều DN đã nhận được các đơn hàng cho hai quý đầu năm 2010.
Mặt hàng gạo cũng được dự báo là sẽ có nhu cầu tăng mạnh. Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết đã khuyến nghị DN XK gạo cần liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong khuyến cáo, nhu cầu gạo thế giới ngày một tăng, nhưng các nước nhập khẩu dù thiếu ăn vẫn lấy rào cản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm làm rào cản gia nhập thị trường của gạo VN. Do vậy, nông dân cần chú trọng khâu sản xuất an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Với mặt hàng thuỷ sản, một trong những "đặc sản" của XK thì năm 2010 được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn nhất trong các mặt hàng chủ lực. Đó là từ 1/1/2010, quy định của EC về hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ chính thức có hiệu lực. Chắc chắn điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các DN thuỷ sản và người nông dân VN bởi từ hàng trăm năm nay, đa số các ngư dân VN đều đánh bắt cá xa bờ. Tuy nhiên, theo các DN khó khăn thì phải khắc phục, điều này sẽ làm cho hoạt động sản xuất, đánh bắt, XK hàng thuỷ sản của VN trở lên chuyên nghiệp hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện Quy chế chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để phổ biến cho DN XK thủy sản và ngư dân, tạo điều kiện cho thuỷ sản tiếp tục phát huy thế mạnh của mình.
Ngành gỗ, một ngành cũng được coi là thế mạnh của XK, khi mỗi năm đóng góp cho kim ngạch XK khoảng gần 3 tỉ USD. Đáng mừng là sau một thời gian giảm kim ngạch XK do tác động của khủng hoảng kinh tế, từ quý IV/2009, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này đã bắt đầu tăng trở lại. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ dự báo, năm 2010 kim ngạch sẽ đạt 3 tỷ USD.
Mặt hàng cao su, các chuyên gia cũng dự báo, lượng cao su XK của VN trong năm 2010 sẽ đạt 700.000 tấn, tăng 17% so với năm 2009 với kim ngạch ước đạt 1,4 tỷ USD.
Những nhận định sáng sủa trên một lần nữa khẳng định năm 2010 sẽ là năm bứt phá của XK. Tuy nhiên, để có thể biến những cơ hội thành những hợp đồng kinh tế giá trị hay không lại phụ thuộc phần lớn vào hành động của các DN XK VN.
Ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công Thương : Đa dạng hoá thị trường và sản phẩm DN không nên tập trung vào một thị trường mà phải đa dạng hoá thị trường và sản phẩm, làm thế nào để hàng của chúng ta vào được 153 nước thành viên WTO. Năm 2010, tăng trưởng xuất khẩu của VN sẽ tăng khoảng 5-6% so với năm nay. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi và GDP năm 2010 của VN sẽ cao hơn năm 2009, khả năng tăng trưởng xuất khẩu rất khả quan. Về dài hạn, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của VN vẫn là nông sản nhiệt đới, hàng dệt may, da giày, thủy sản… Các DN VN nên chú ý đến khâu chế biến, tránh gặp phải hàng rào kỹ thuật của các nước và tránh tâm lý bán ồ ạt hàng, làm mất giá sản phẩm, giảm kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Dương - Tổng Giám đốc Cty cổ phần May Hưng Yên : Cần quan tâm tới định hướng lao động để nắm bắt cơ hội Tôi cho rằng tương lai hàng XK dệt may VN khá sáng sủa, đơn hàng nhiều, hiện đa số các đơn hàng đã đặt tới hết tháng 7/2010. Bên cạnh đó, thuế suất vào thị trường Nhật xuống 0% là điều kiện rất tốt để dệt may vào thị trường Nhật. Nhiều Cty Nhật dự kiến tăng đầu tư ở VN. Ở các thị trường khác cũng có nhiều triển vọng khi kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, trong năm vừa qua, các Cty nhỏ hầu như đã bị loại, còn lại hầu hết là những DN lớn, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn. Tỷ giá đã điều chỉnh một phần nên các Cty được tăng thêm sức cạnh tranh… khách hàng hoàn toàn chấp nhận được, các thị trường hầu hết là ổn định và đi vào phục hồi cũng là cơ sở để tin rằng năm 2010 là năm mà XK sẽ bứt phá, mục tiêu 10 - 15 tỷ USD của ngành dệt may năm 2010 tôi cho rằng hoàn toàn có thể đạt được. Ngoài dệt may, các mặt hàng khác tôi cũng cho rằng sẽ có nhiều điểm thuận lợi để đẩy mạnh XK. Việc điều chỉnh tỷ giá có ảnh hưởng tốt tới các ngành, như nông sản, thủy sản xuất khẩu… khi giá điều chỉnh được, các nhà XK và NK sẽ tiêu thụ được sản phẩm, có vốn để tái đầu tư, do vậy chất lượng hàng hoá cũng sẽ đảm bảo. Cá tra hiện đang thiếu hàng nhưng với những tín hiệu hiện nay chắc chắn năm 2010 sẽ ổn định, thị trường gỗ cũng vậy. Tôi cho rằng, Nhà nước cần quan tâm tới định hướng nghề nghiệp. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất thiếu lao động, trong khi các lao động tự do lại rất đông, nhưng lại không được đào tạo. Tài nguyên lao động đang bị bỏ phí, chỗ cần thì thiếu, mà chỗ không cần lại thừa. Ông Nguyễn Anh Kết - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Thanh Hà : DNNVV sẽ có cơ hội bứt phá Tôi cho rằng, với việc kinh tế kinh tế thế giới phục hồi, các nước đều đưa ra các chính sách kích thích phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, gói kích cầu thứ hai của Chính phủ cũng sẽ là một "đòn bẩy" rất lớn cho các DN, đây là cơ hội rất tốt để các DN, nhất là các DNNVV bứt phá lên. Các mặt hàng chủ lực của VN, nhất là hàng nông, lâm thuỷ sản chắc chắn sẽ phục hồi trở lại. Với sự hỗ trợ của gói kích cầu thứ hai, các DN sẽ đẩy mạnh đổi mới dây truyền, công nghệ thiết bị, đẩy mạnh sản xuất sẽ giúp các DNNVV ổn định và phát triển mạnh mẽ. |
(Theo Tuấn Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com