Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển hai mặt hàng tôm, lúa gạo trong thời gian tới, Việt Nam phải có chính sách nhằm đảm bảo nguồn lúa cho ngành công nghiệp xuất khẩu gạo cũng như công nghiệp chế biến thủy sản. Gạo và tôm có tiềm năng phát triển để trở thành các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm 2020.
Cần xây dựng chính sách cho từng cụm, ngành trong xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp; trong đó có mặt hàng tôm và gạo, là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo "Phân tích hệ quả can thiệp chính sách và biến dạng thị trường với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo và tôm tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội.
Theo CIEM việc nhóm nghiên cứu lựa chọn chuỗi giá trị xuất khẩu gạo và tôm trong 10 nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bởi đây là 2 mặt hàng có sự phát triển vượt bậc, đóng góp rất lớn vào doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, lúa và tôm cũng là những mặt hàng Việt Nam đã chủ động từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, mặt hàng gạo và tôm có tiềm năng phát triển để trở thành các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm 2020.
Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại tôm với tính ổn định về chất lượng hàng hóa, cụ thể tôm Việt Nam đã xuất khẩu vào 82 thị trường trong đó có 80% khối lượng và giá trị xuất khẩu tập trung vào 10 thị trường hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, mặt hàng này của Việt Nam lại có độ rủi ro cao nên đã làm giá xuất khẩu luôn thấp so với các nước khác. Độ rủi ro này được chỉ ra là do cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyên nghiệp, không đảm bảo thời điểm giao hàng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cứ ký hợp đồng mà không quan tâm đến năng lực thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp mình.
Đối với mặt hàng gạo, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát; chưa có các trung tâm của vùng hoặc của nhà nước áp dụng các công nghệ mới với quy mô và hiệu quả vượt trội. Các thương lái và đại diện chợ đầu mối cho biết, quy trình thu mua và vận chuyển lúa gạo hiện nay vẫn kế thừa hệ thống trước đây, trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn, kho bãi và vận chuyển thậm chí còn kém hơn so với trước đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển hai mặt hàng tôm, lúa gạo trong thời gian tới, Việt Nam phải có chính sách nhằm đảm bảo nguồn lúa cho ngành công nghiệp xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về đất đai, chấm dứt tình trạng đất đai thu lại của nông nghiệp không phục vụ phát triển công nghiệp mà xoay sang phục vụ đầu cơ bất động sản. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách đầu tư nâng cấp, xây dựng mới một số cảng biển và đường giao thông tại khu vực phía Nam nhằm đảm bảo việc thu mua lúa gạo thuận lợi, nhanh chóng.
Theo ông Trần Hữu Cường, Đại học Nông nghiệp, không nên dựa vào các dự báo để xây dựng các khuyến nghị về chính sách nhằm phát triển hai ngành này bởi đã là dự báo thì có thể đúng và cũng có thể sai. Còn bà Trần Thanh Bình (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xây dựng chính sách nên chú ý vào ba yếu tố: nâng cấp quy trình, nâng cấp sản xuất và nâng cấp chuỗi. Chuỗi giá trị nếu muốn phát triển bền vững cũng cần phải có tính cạnh tranh cao
(Công an Nhân Dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com