Quyết định khôn ngoan nhất đối với một doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, chính là giữ chữ tín, nâng cao chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ được điều đó.
Thông tin về việc Cơ quan Kiểm dịch động thực vật vùng Viễn Đông (Liên bang Nga) tạm giữ lô hàng gần 5.000 tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam (dự kiến trung chuyển qua cảng Primorye để chuyển tiếp đến Mát-xcơ-va), do chất lượng gạo không phù hợp với yêu cầu của Nga, có thể chỉ là một chuyện nhỏ và cũng không khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ, đây không phải là lần đầu tiên, hàng hóa của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vì những lý do liên quan đến chất lượng.
Cách đây ít lâu, phía Nga đã tuyên bố ngừng nhập khẩu cá tra từ các doanh nghiệp Việt Nam, do sản phẩm bị nhiễm khuẩn. Phía Mỹ cũng từng từ chối nhiều lô hàng thực phẩm của Việt Nam, do không đảm bảo yêu cầu... Và đây hoàn toàn không phải là những ví dụ cá biệt.
Quay trở lại trường hợp xuất khẩu gạo vừa rồi, mặc dù phía Nga chỉ tạm giữ lô hàng nói trên để loại bỏ các xác mọt lẫn trong gạo, sau khi làm vệ sinh, nếu đảm bảo yêu cầu, lô gạo này sẽ được cấp giấy chứng nhận phẩm chất để vào thị trường nội địa tiêu thụ, song vụ việc này cũng đã một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Và mặc dù phía Nga cũng đang xem xét việc mở cửa thị trường trở lại cho các sản phẩm cá tra Việt Nam (một đoàn kiểm tra gồm 4 quan chức Nga đã đến Việt Nam từ đầu tuần này để kiểm tra một số nhà máy chế biến thủy sản), nhưng rõ ràng, đã đến lúc, các doanh nghiệp cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù việc lẫn tạp chất, hay giảm phẩm cấp hàng hóa xuất khẩu đôi khi khó tránh khỏi trong quá trình vận chuyển, nhưng vấn đề là, đôi khi, sự việc xảy ra không chỉ là do vô ý, hay vì sự cố khó tránh khỏi, mà lại nằm ở sự thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cũng như một số nhà cung cấp nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Chuyện các sản phẩm tôm, thủy sản... lẫn tạp chất, dư lượng kháng sinh lớn, khiến khách hàng từ chối, như đã đề cập, không hoàn toàn là do nguyên nhân khách quan.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc bị từ chối một lô hàng xuất khẩu không chỉ khiến họ bị thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến những đơn hàng sau này. Trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, các đối tác nước ngoài đều có xu hướng thắt chặt hầu bao, nên cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam càng có nguy cơ bị thu hẹp. Trong bối cảnh như vậy, chất lượng hàng hóa lại không đảm bảo, thì rất có thể, sẽ có thêm nhiều đơn hàng khác bị từ chối.
Dù đây chỉ là suy đoán, song cũng không có gì đảm bảo rằng, lần sau, các nhà nhập khẩu sẽ tiếp tục ký hợp đồng với những nhà cung cấp "có vấn đề". Khi mà vạn người bán, chỉ có trăm người mua, thì khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn và cũng thận trọng hơn trong quyết định đặt hàng. Điều này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam phải có những quyết định khôn ngoan hơn, nếu không muốn để mất khách hàng.
Hãy xuất khẩu sản phẩm đúng yêu cầu chất lượng của đối tác và đảm bảo giao hàng đúng thời gian. Đó là bước đi khôn ngoan đầu tiên, để tiếp đó, có chiến lược kinh doanh bài bản hơn, từ phát triển vùng nguyên liệu, đến đầu tư cho công nghệ chế biến sạch hơn, bảo quản, cất trữ, vận chuyển... theo quy trình hiện đại. Chỉ có uy tín và chất lượng sản phẩm mới giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt nhất và bền vững nhất.
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com