Hàng dệt may của Việt Nam rất có thể một lần nữa lại khốn đốn tại thị trường Hoa Kỳ |
Một số mặt hàng chủ chốt xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam có thể sẽ gặp phải những rào cản nếu không chủ động ứng phó từ đầu.
Luật sư Jay L. Eizenstat, Hãng luật Miller & Chevalier Chartered khi nói về triển vọng thương mại năm 2009 và các chính sách thương mại của Hoa Kỳ dưới thời Obama đã khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải phòng ngừa khả năng có thể bị kiện bán phá giá hoặc kiện chống trợ cấp. Thật ra Việt Nam không phải là đối tượng phải ngại ngần hàng đầu nhưng cũng có thể “cháy thành vạ lây” vì có những mặt hàng xuất khẩu tương tự như Trung Quốc, vị luật sư này nói thêm.
Khó hơn cho doanh nghiệp
Khi kinh tế khủng hoảng, Hoa Kỳ buộc phải tính đến hỗ trợ các nhóm lợi ích trong nước nhiều hơn nữa. Vậy nên, cánh cửa nhập khẩu sẽ được chú trọng để làm sao hàng hóa vào nhưng không xung đột quyền lợi với các nhà sản xuất trong nước hoặc các nhóm lợi ích liên quan. Những biện pháp hữu hiệu có nhiều khả năng được áp dụng là tiến hành điều tra chống phá giá, chống trợ giá hay đưa ra những biện pháp tự vệ.
Vậy nên, bên cạnh việc thông báo Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được chính quyền Obama chú trọng sẽ mở cửa tiếp cận thị trường Đông Nam Á của hàng hóa Mỹ, ông Jay L. Eizenstat không quên lưu ý đến những thay đổi trong việc đưa ra các sáng kiến thương mại mới. Cụ thể như, trong lĩnh vực hải quan, chỉ tính riêng Quy tắc 10 + 2 đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào nước này gặp khó vì phải cung cấp thêm đến 10 dữ liệu thông tin liên quan về các chuyến hàng. Các yêu cầu cung cấp thêm thông tin đảm bảo nhập khẩu an toàn này không chỉ phức tạp mà thực chất còn giống như đưa ra các rào cản kỹ thuật để “đỡ” cho thị trường trong nước, ông Jay L. Eizenstat thừa nhận.
Chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam có vẻ sẽ bị gia hạn khi chính quyền mới của Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ
Chưa hết, đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng năm 2008 (CPSIA) có ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa của Việt Nam khi đưa ra các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với lượng chì trong các sản phẩm cho trẻ em… Nhà sản xuất sẽ phải đưa ra tuyên bố về chất lượng. Ông Jay đưa ra lời khuyên, các nhà sản xuất của Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với đối tác nhập khẩu từ Hoa Kỳ để có thông tin kịp thời.
Một điểm cần lưu ý nữa là Luật Lacey - Luật Nông nghiệp 2008 đưa ra yêu cầu mới cho việc nhập khẩu tất cả nông sản và các sản phẩm làm từ nông sản. Ông Cao Khải - đại diện của Hiệp hội Gỗ rất băn khoăn về tác động của luật này đến xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Ông Jay cho rằng, sự lo ngại này rất có căn cứ. Tuy đến 2010 mới áp dụng đồng bộ mọi loại sản phẩm liên quan đến gỗ nhưng ngay từ lúc này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc đảm bảo xuất xứ của gỗ không phải là khai thác trái phép. Không thể chủ quan, đó là điều mà ông Jay nhấn đi nhấn lại.
Những thông tin ông Jay đưa ra ngay lập tức đã khiến các đại diện Hiệp hội có hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Hoa Kỳ phải nhìn nhận vấn đề cẩn trọng hơn.
Ông Nguyễn Sơn - Phó TTK Hiệp hội Dệt May rất lo lắng với thông tin về việc Tổ chức Dệt của Hoa Kỳ có đề nghị giám sát hàng dệt may từ Trung Quốc và Việt Nam xem có trợ cấp bất hợp pháp không. Giải tỏa mối lo này, ông Jay tuy không đưa ra được một thông tin chính xác nhưng cũng hé lộ, chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam có vẻ sẽ bị gia hạn khi chính quyền mới bắt đầu nhiệm kỳ. Ông Jay lưu ý, các vụ kiện chống lại Trung Quốc có thể khiến Việt Nam bị “liên đới”, nhưng các vụ kiện riêng đối với Việt Nam lại ít có khả năng xảy ra. Trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, ngành gỗ và ngành thép của Việt Nam cũng có thể nằm ngoài tầm ngắm kiện chống bán phá giá, ông Jay cho biết thêm.
Khuyến nghị
Trước nguy cơ một vụ kiện chống trợ cấp liên quan đến các sản phẩm của Việt Nam, ông Jay đưa ra quan điểm, vấn đề chỉ là thời gian trước khi DOC chấp nhận đơn kiện đối kháng liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam áp dụng các phân tích đã sử dụng trong vụ kiện giấy không bọc của Trung Quốc. Vậy nên, ông khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần chủ động và tiên liệu trước những phân tích của DOC và xác định các loại hình trợ cấp có thể bị kiện.
Về phía doanh nghiệp, ông Jay cũng lưu ý, không phải cứ thúc đẩy xuất khẩu bằng mọi cách để cứu doanh nghiệp thoát khỏi đà suy giảm đã là tốt, mà cần phải làm sao cho an toàn mới là ưu tiên số một. Chia sẻ điều này, luật gia Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, các doanh nghiệp không nên bán hàng với giá quá thấp so với giá thông thường bên thị trường Hoa Kỳ, nếu không dễ rơi vào bị điều tra bán phá giá. Kiểu cạnh tranh ghìm giá lẫn nhau như cách một số doanh nghiệp vẫn làm sẽ rất tai hại.
Thị trường Hoa Kỳ vẫn còn tiềm năng dù đang khủng hoảng, nhưng lúc này các doanh nghiệp cần lưu ý không chọn những sản phẩm xung đột lợi ích trực tiếp với những ngành sản xuất của Hoa Kỳ mà nên đa dạng hoá mẫu mã và đàm phán giá không quá thấp để tránh được cái “bẫy” vượt 3% ( hàng nhập khẩu của Việt Nam có thị phần hơn 3% trên tổng số hàng nhập khẩu vào nước này với mức giá thấp hơn sản phẩm cùng loại - PV). Ngoài việc theo dõi sát các động thái trên thị trường Hoa Kỳ, ông Huỳnh còn khuyên các doanh nghiệp nên đảm bảo về giấy tờ, sổ sách để chứng minh mình không chịu ảnh hưởng những yếu tố của nền kinh tế phi thị trường (lương cho người lao động là tự thoả thuận, chi phí thuê đất đai nhà xưởng và nguyên liệu theo giá thị trường… - PV), không bán dưới giá thành… để tự bảo vệ mình trong trường hợp bị khởi kiện. Thêm vào đó, các Hiệp hội nên hỗ trợ doanh nghiệp mở mang thêm thị trường, giảm áp lực xuất khẩu hàng vào một thị trường.
Thời khó, càng cần các tổ chức đại diện doanh nghiệp, cơ quan quản lý chung sức cùng doanh nghiệp. VCCI có thành lập Hội đồng tư vấn về các vụ kiện thương mại quốc tế sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Huỳnh nói. Doanh nghiệp không thể đơn độc trong hành trình khai phá thị trường!
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com