Khu vực Trung Đông - châu Phi được nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi đây là thị trường mới và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng khi các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại thiếu thông tin và chưa có kinh nghiệm đối với thị trường này nên rất dễ gặp rủi ro. Vì vậy, vai trò ngoại giao của các đại sứ, tổng lãnh sự đối với doanh nghiệp đang trở nên hết sức cần thiết.
Đại diện Công ty TNHH sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên băn khoăn, với lĩnh vực thời trang, giày dép, để vào thị trường Trung Đông, doanh nghiệp cũng chưa biết nên bắt đầu từ đâu; lợi thế so sánh giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc ở thị trường này như thế nào? Công ty Cổ phần Dệt may Thái Tuấn thì lại muốn biết thông tin về tình hình kinh tế của Ả-rập Xê-út hiện nay và dự báo tình hình năm 2009; ngành dệt may và chính sách thuế của Chính phủ nước này đối với vải nhập từ Việt Nam và các nước khác...
Đại sứ Việt Nam tại Dubai Nguyễn Quang Khai thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông còn chưa xứng tầm. Riêng với thị trường Dubai, chúng ta xuất khẩu sang thị trường này mới đạt 2-3 tỷ USD, quá thấp so với tiềm năng của hai nước. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất sang Dubai 23 tỷ USD, trong đó có 3 tỷ của tư nhân. Dubai là nơi trung chuyển hàng hóa, dễ tính. Nếu có 1 doanh nghiệp thành lập trung tâm thương mại tại đây để đưa hàng sang thì rất thuận lợi. Dubai đang trở thành trung tâm của khu vực Trung Đông và hiện Petro Vietnam cũng đã mở văn phòng tại Dubai. Còn Đại sứ tại Israel cho biết, tiềm năng hợp tác lớn, phải tranh thủ khoa học công nghệ. Hiện ở Trung Đông rất thiếu lao động, ngay như Ả-rập có 24 triệu dân thì hơn 10 triệu người là dân nước ngoài, Dubai (UAE) 5,6 triệu dân thì có 4,8 triệu là nước ngoài. Ở đây việc đầu tư xây dựng mạnh, rất cần lao động, tại UAE cần khoảng 15 - 20 ngàn lao động; Qatar cần khoảng 10 ngàn lao động; Ả-rập khoảng 3 - 5 ngàn lao động...
Đại sứ Khai cũng cho rằng, thông tin về ngành nhựa, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp đại sứ quán để được cung cấp. Muốn xuất sản phẩm, phải có hàng mẫu giới thiệu. Đại sứ Khai cũng lưu ý doanh nghiệp trong quan hệ với châu Phi cần thận trọng khâu thanh toán. Bởi khả năng thanh toán của khu vục này khá yếu, cần chọn tham vấn cẩn thận. Ông Đinh Xuân Lưu, Đại sứ Việt Nam tại Israel cho biết, thị trường châu Phi cởi mở, không đòi hỏi cao về chất lượng. Tuy nhiên, hàng của Việt Nam đến châu Phi thường đắt hơn so với hàng Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ do chưa có vận chuyển hai chiều. Israel rất giỏi về công nghệ và họ rất muốn tham gia vào xây dựng công viên công nghệ ở Việt Nam như công nghệ vi sinh, tưới thấm... Còn Nigeria, kinh tế chủ yếu là dầu lửa, quan hệ thương mại với Việt Nam 70 triệu USD/năm. Hàng hóa vào nước này chất lượng không cao (có 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ). Tuy nhiên, chế độ bảo hộ cũng rất cao và nếu xảy ra tranh chấp thì rất phức tạp, kéo dài hàng năm trời. Trong thanh toán phải cẩn thận. Doanh nghiệp nào làm ăn tại Nigeria đề nghị nên thông qua sứ quán Việt Nam tại đây để được tư vấn kỹ hơn. Đưa hàng vào châu Phi tuy phức tạp, nhưng tiềm năng, nhất là phát triển các loại máy nông nghiệp, bóc tách hạt điều, hạt ngô. Người dân châu Phi thường là “tay sờ, mắt thấy” nên phía doanh nghiệp phải có đại diện ở đấy.