Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu ra thị trường... suy thoái

Các thị trường xuất khẩu lớn của hàng hoá Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU nay đang lâm vào suy thoái.

Một trong những lĩnh vực được Chính phủ chủ trương kích cầu đầu tư trong năm nay là các sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu cao, có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới dự báo, lượng hàng hoá giao dịch trên thị trường thế giới năm 2009 này sẽ giảm 2,1% so với năm trước, riêng tại các nước đang phát triển, tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại còn 3% so với mức tăng trung bình 15%/năm trong suốt 5 năm qua.  

Bài học về thiếu thông tin

Những ngày này, tinh bột sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang bị tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, chỉ có thể được xuất khẩu một cách nhỏ giọt.

Chuyện tương tự này cũng từng xảy ra đối với một số hàng xuất khẩu của Việt Nam như: dưa hấu, cau tươi, vải thiều, cao su... Chuyện này cũng từng xảy ra đối với một số hàng hoá ở thị trường nước ngoài khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này song một trong những nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp chúng ta không nắm được thông tin về thị trường mà mình vẫn xuất hàng, kể cả những thông tin về kế hoạch nhập khẩu của đối tác, nhu cầu nhập khẩu cũng như tiến độ nhập khẩu trong từng giai đoạn.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là chính thông tin về thị trường trong nước cũng không rõ ràng. Lẽ ra những thông tin chung về khả năng sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp trong nước cũng như khả năng giao hàng trong từng thời điểm là những thông tin cơ bản nhất các doanh nghiệp phải biết, các cơ quan quản lý ngành và các Hiệp hội ngành hàng phải biết để điều hành. Tiếc thay, cho đến nay những thông tin ấy dường như vẫn quá xa vời. Và hậu quả là hàng loạt nông sản cứ thường xuyên ế hàng, tồn đọng.  

Tại một Hội nghị lớn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu một câu chuyện rất đáng quan tâm. Đó là khi Thủ tướng gọi điện đến một tỉnh hỏi về diện tích nuôi tôm và trồng lúa, thì Bí thư tỉnh uỷ cung cấp một số liệu, Chủ tịch UBND tỉnh lại báo cáo một số liệu khác. Thủ tướng kết luận vậy thì làm sao mà quyết định được chính xác phải bán nông sản vào thời điểm nào và bán bao nhiêu cho có lợi nhất. Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình thường xảy ra trong công tác thông tin và dự báo thông tin ở nước ta hiện nay. Hồi tháng 10/2008, khi Quy hoạch phát triển cá basa ở Đồng bằng sông Cửu Long được đưa ra, Hiệp hội nghề cá tỉnh An Giang – nơi nuôi nhiều nhất loài cá này ở đây đã phát hiện  trong quy hoạch những số liệu quan trọng lại quá chênh lệch, quá mâu thuẫn so với thực tế, nhiều số liệu quy hoạch cho năm 2009 và 2010 ví như số liệu về tổng lượng nguyên liệu so với năng lực chế biến, hay nguồn cung nguyên liệu của từng địa phương thì đã rất lạc hậu hoặc mâu thuẫn so với thực tế của thời điểm tháng 10/2008.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả nước đã được Quốc hội giảm xuống còn 13% so với năm cũ thay vì mức tăng 19% dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, 13% vẫn là mức mà các chuyên gia phân tích thị trường cho là rất khó, nếu không có những giải pháp đột phá và kịp thời thì khó mà đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu tại các nước đang phát triển được Ngân hàng thế giới dự báo chỉ còn 3% so với mức tăng trung bình 15%/năm trong suốt 5 năm qua. Nhìn vào hoạt động trong nước, cũng thấy khá rõ tác động của tình hình thế giới.

 Ở Hải Dương, một doanh nghiệp tư nhân lâu nay vẫn xuất vài nghìn tấn lợn sữa sang thị trường Hồngkông, Đài Loan và một số thị trường khác, nay cho biết đã vài tháng qua phải giảm mạnh thu mua lợn và giảm mạnh công suất dây chuyền cấp đông cho hàng xuất khẩu vì các thị trường lớn đã gần như ngừng nhập hàng. Hậu quả kèm theo là cả một mạng lưới người chăn nuôi tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang cung cấp lợn sữa cho doanh nghiệp này bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cũng cho biết nhiều khách hàng kể cả khách hàng truyền thống đã huỷ hợp đồng nhập hàng hoặc giãn nhập hàng trong năm nay do nhu cầu giảm xuống. Nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam đã buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều công nhân phải nghỉ việc cầm chừng. Đấy chính là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu tác động vào thị trường trong nước.

...và lề lối làm ăn “bóc ngắn, cắn dài”

Trong khi đó, với hội nhập kinh tế quốc tế, hàng rào thuế quan được bãi bỏ ở mức độ sâu rộng nhưng hàng rào phi thuế quan lại được dựng lên ngày càng tinh vi hơn. Có nghĩa là khi thị trường thế giới mở ra rộng lớn hơn thì kèm đó cũng thắt chặt hơn với từng chủng loại sản phẩm hàng hoá bởi những quy định ngặt nghèo hơn về chất lượng, quy cách, chủng loại sản phẩm. Đơn giản như tại châu Âu, một loại quả tươi nhập khẩu phải đạt được kích cỡ, màu sắc nhất định mới được bày bán trong siêu thị. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ kể rằng xoài tươi của Thái Lan và Pakistan mặc dù không ngon bằng xoài Việt Nam nhưng xoài của hai nước này lại có rất nhiều ở thị trường Thụy Sĩ trong khi chả thấy đâu bóng dáng quả xoài Việt Nam. Khi hỏi chuyện các nhà nhập khẩu và các nhà kinh doanh siêu thị ở đây thì mới biết rằng xoài của Việt Nam ngon nhưng chất lượng không đều, những lô hàng đầu tiên thì tốt, sau đó thì lại kém, và thêm vào đó doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được số lượng hàng lớn khi được yêu cầu.

Ở góc độ khác, một số doanh nghiệp lại làm ăn bội tín, chụp giật hay phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài, gây ảnh hưởng không chỉ đối với cá nhân doanh nghiệp mà còn đối với cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chuyện năm ngoái các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của ta cứ lần lữa và từ chối giao hàng theo hợp đồng đã ký để tránh thua thiệt trước mắt là một bài học nóng hổi trên thương trường quốc tế bởi chỉ một thời gian ngắn sau đó đã phải trả giá vì bạn hàng trả đũa bằng cách không nhận hàng và ép hạ giá.

 Doanh nghiệp giỏi vẫn tìm ra thị trường

Các thị trường xuất khẩu lớn của hàng hoá Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU thì nay chính các thị trường này đang lâm vào suy thoái. Trong khi đó, năm nay hàng giày dép của ta vào EU không còn được hưởng ưu đãi thuế GSP nữa trong khi với thị trường Mỹ hàng dệt may Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch, còn hàng đồ gỗ thì bị thắt chặt hơn do yêu cầu chứng nhận xuất xứ gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, những điều kiện khó khăn lại là cơ hội thể hiện bản lĩnh và tài năng của từng doanh nghiệp, doanh nhân. Trước sự giảm sút của thị trường nhập khẩu do tác động của suy thoái kinh tế, trước những biện pháp thắt chặt thêm của thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp năng động vẫn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Doanh nghiệp giỏi vẫn sáng tạo ra được thị trường tiêu thụ mới bằng những sản phẩm và giải pháp khác nhau. Như với thị trường Mỹ, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng nguồn cung cho tầng lớp người tiêu dùng có nhu cầu hàng hoá giá rẻ trong điều kiện buộc phải thắt chặt hơn chi tiêu.

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng thời điểm hiện nay thị trường châu Phi đang nhu cầu lớn về hàng hoá, là thị trường khá dễ tính, ít rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng phải tìm được giải pháp thanh toán hợp lý. Với nhiều thị trường khác, nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, nhưng cũng có rất nhiều mặt hàng ngỡ như nhỏ nhặt nhưng lại có khả năng tăng trưởng tốt. Hàng nhựa vào các thị trường hầu như đều có mức thuế thấp hơn hoặc bằng với các sản phẩm cùng loại của nước khác trong khi đây cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp nước ta. Các sản phẩm vali, túi xách, ôdù, các sản phẩm từ cao su, gang thép hay dây điện và cáp điện cũng đều là những mặt hàng có thị trường tốt và điều kiện xuất khẩu cũng khá thuận lợi.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được đề xuất hoặc áp dụng, như tạo điều lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng phát triển, giảm lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu, bổ sung danh mục mặt hàng và lĩnh vực được vay vốn đầu tư sản xuất xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng đối với mặt hàng gạo và một số nông sản khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh. Trong điều kiện kinh tế suy thoái, thị trường thế giới ngày càng khó khăn, khả năng rủi ro trong kinh doanh cao hơn rất nhiều so với trước.

Doanh nghiệp dù năng động nhưng cũng phải rất thận trọng. Lúc này, ngoài những giải pháp hỗ trợ đang được Chính phủ thực hiện, thì vai trò của các hiệp hội ngành hàng phải được thể hiện hơn lúc nào hết trong công tác thông tin cho doanh nghiệp và điều hành sự đoàn kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp. Một kênh thông tin khác rất hiệu qua mà các doanh nghiệp lâu nay vẫn bỏ qua, nay cần được phát huy hơn là các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là đầu mối quan trọng có thể biết và cung cấp thông tin chính xác về khả năng của các doanh nghiệp nước ngoài, giúp doanh nghiệp trong nước giảm được rủi ro khi đàm phán và ký các hợp đồng. Tuy nhiên, có lẽ có một nguyên tắc muôn thuở nhưng không bao giờ cũ là chính doanh nghiệp phải tạo ra được sản phẩm mới cho thị trường cũ cũng như tìm ra thị trường mới cho sản phẩm cũ./.

 

(Theo VOV)

  • Lại nhập siêu trong nửa đầu tháng 8
  • Để làm ăn với người Nhật: Đừng ngồi chờ, hãy mạnh dạn!
  • Xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo: Cần hiểu “Halal” và “Haram”
  • Thị trường Trung Quốc: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
  • Xuất khẩu sang Nhật: mặt hàng nào có lợi thế?
  • Nhiều rủi ro trong giao thương với khách hàng tại Hồng Kông
  • Cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Malaysia
  • Trung Quốc lập danh sách đen các nhà nhập khẩu nước ngoài
  • Lưu ý trong thanh toán xuất khẩu với một số doanh nghiệp Hà Lan
  • UAE, “địa bàn” mới cho hàng Việt
  • Để Trung Đông, Châu Phi không còn là “tiềm năng”
  • Trung Đông – điểm hẹn xuất khẩu của doanh nghiệp
  • Kết quả Tọa đàm tháng 12 với chủ đề “Kinh nghiệm thực thi chính sách khoan hồng tại Mỹ và Nhật Bản - Bài học đặt ra với Việt Nam”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo