Những khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam và
Hoa Kỳ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học đã được Nhóm đặc trách Giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ đưa ra trong Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ II khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 15/1.
Nhóm này bao gồm các đại diện cao cấp của chính phủ, các cộng đồng giáo dục đại học và doanh nghiệp hai nước, được thành lập theo một sáng kiến trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6/2008 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
5 khuyến nghị quan trọng nhất tập trung vào mục tiêu mở rộng sự giao tiếp giữa các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có triển vọng thành lập một trường đại học theo mô hình Hoa Kỳ tại Việt Nam, nâng cao số lượng giảng viên Việt Nam theo học chương trình tiến sĩ, tiến hành các chương trình giáo dục về công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục cũng như đào tạo chuyên gia cho hệ thống này.
Báo cáo khuyến nghị này sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình lên Chính phủ hai nước vào đầu tháng 2 tới.
Phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W. Michalak cho biết mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ mà ông đặt ra khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam đã được thực hiện thành công. Số sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ đã tăng gấp rưỡi trong vòng 1,5 năm qua, đạt tới con số gần 10.000 người.
Từ 1/10/2007 đến 30/9/2008, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp trên 9000 thị thực sinh viên Việt Nam, trong đó khoảng 70% số thị thực dành cho sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng.
Ông cũng cho biết một Ủy ban mới đã được thành lập và sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi Nhóm đặc trách giáo dục hoàn tất sứ mệnh, bao gồm các đối tác Hoa Kỳ và Việt Nam, tiếp tục làm việc với các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân để tìm hiểu nhu cầu của các cộng đồng về giáo dục cũng như hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ thống giáo dục nhằm phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu này.
Các phiên họp của Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận các dạng hoạt động và chương trình đối tác đang được tiến hành trong cả khu vực giáo dục công và tư giữa hai bên, phân tích những khó khăn trong quá trình hợp tác và đưa ra các giải pháp cho những vấn đề còn gặp trở ngại. Các trường đại học, cao đẳng, các công ty và tổ chức phi chính phủ (NGO) của cả hai bên cũng thảo luận về các mục tiêu giáo dục chủ chốt như tạo ra nhiều liên kết mới và chương trình chung sâu sắc hơn, tăng số người Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đặc biệt ở chương trình lấy bằng tiến sĩ, thúc đẩy các chương trình giáo dục đã được thiết kế nhằm giúp sinh viên Việt Nam có các kỹ năng kỹ thuật, phân tích và quản lý cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tại Việt Nam, Hoa Kỳ đang tiếp tục những nỗ lực nhằm gia tăng số du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, bao gồm thành lập các trung tâm du học Hoa Kỳ (USA Center) thông qua Viện Giáo dục Quốc tế, mở rộng chương trình Fulbright, tăng cường tìm kiếm đối tác Việt Nam cho các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ.
Chương trình Fulbright tiến hành trong 15 năm qua đã giúp đào tạo 400 người Việt Nam và đưa hàng trăm giáo sư Hoa Kỳ sang Việt Nam giảng dạy. Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) mới đây cũng bắt đầu chương trình đưa giáo sư Hoa Kỳ sang dạy tại Việt Nam./.