Cuốn sách bảo vệ quan điểm sự tham gia của phụ huynh vào giáo dục là yếu tố sống còn để đạt mục tiêu giáo dục. Rõ ràng, huy động nguồn lực “cộng đồng” này, nhà trường sẽ có một kênh quan sát và hỗ trợ tốt cho công tác giáo dục. Ngược lại, từ phía phụ huynh, câu chuyện không còn đơn giản là đưa đón và ký vào phiếu liên lạc mỗi tháng, mà việc tham gia vào giáo dục sẽ là một sự giám sát, đặt yêu cầu trách nhiệm trở lại với nhà trường để kết quả là sản phẩm giáo dục được hiệu quả. Tại Mỹ hiện có 25 trung tâm, hiệp hội, chương trình dự án thường xuyên gắn kết hoạt động giữa phụ huynh với nhà trường trong việc đào tạo. Cuốn sách cung cấp trở lại những kỹ năng cơ bản mà nhiều phụ huynh bận rộn thường quên: nói chuyện học tập với con, giúp con làm bài tập ở nhà, tập đọc cùng con, nói chuyện với thầy cô giáo, đưa con tới thư viện, tham dự các cuộc họp của hội đồng giáo dục… Tất cả những điều đó đặt trong một quan điểm mới của giáo dục: trẻ em là trung tâm và là sản phẩm, mục tiêu cuối cùng của mọi nỗ lực. Cuốn sách đặt trong bối cảnh giáo dục Mỹ. Nó không chỉ cần cho phụ huynh mà quan trọng là giáo viên, nhà trường của Việt Nam trong bối cảnh giáo dục nhà trường, triết lý giáo dục đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải.
(Cathrine Kellison McLaughlin, Nguyễn Thị Lan Hương dịch, Trần Hoài Phương hiệu đính, NXB Tri Thức, 46.000 đồng)
(Theo báo Sài Gòn tiếp thị)