Đôi bàn tay ngoài tác dụng giúp cho việc sinh hoạt hàng ngày còn tạo nên nét đẹp và duyên dáng, nhất là phái nữ, từ đó các dịch vụ làm móng để làm tăng thêm vẻ đẹp ấy ngày càng phát triển. Điều này cũng tạo thuận lợi cho các bệnh lý dễ phát sinh, trong đó chín mé là một ví dụ.
Cẩn thận khi làm móng tay đề phòng bị chín mé - Ảnh minh họa |
Nguyên nhân
Chín mé là bệnh nhiễm trùng sinh mủ hay áp-xe ở đầu múp của ngón tay, có tên khoa học là Panaris. Nguyên nhân thường gặp là do tụ cầu vàng, liên cầu sinh mủ gây nên, bằng cách xâm nhập qua vết xước từ cắt móng, vết thương nhỏ. Bệnh cũng có thể do virút herpes hoặc chín mé do móng đâm vào phần mềm.
Triệu chứng
Bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy loại vi sinh gây ra. Các nhà y học thường chia ra: chín mé nông, chín mé dưới da và chín mé sâu.
Chín mé nông: là thể bệnh nhẹ nhất, tổn thương tại chỗ, nông, mặt da chỉ đỏ ửng, hơi sưng, đau nhẹ.
Chín mé dưới da: đây là hình thái của chín mé điển hình, với xu hướng tiến triển vào sâu. Bệnh có thể chỉ bị ở đầu ngón tay và bất kỳ ngón nào cũng có thể bị, nhưng thường gặp nhất là ở ngón cái và ngón trỏ, tình trạng nhiễm khuẩn ăn sâu vào các mô mỡ ở dưới da, khiến người bệnh thấy rất đau, đến nỗi mất ăn, mất ngủ, đôi khi thấy đau giật, sau đó chỗ viêm nhiễm thành mủ.
Chín mé sâu: là thể biến chứng của chín mé dưới da không được điều trị tốt, rạch dẫn lưu mủ không hết, từ đó tạo điều kiện để gây tổn thương sâu hơn như: viêm màng xương, viêm xương, viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch gân gấp.
Triệu chứng thường gặp là các ngón tay sưng to, đau, da tím đỏ, nếu để lâu sẽ tạo thành lỗ dò trên vết rạch cũ do viêm xương.
Điều trị
Khi mới bị, cần giữ sạch chỗ bị chín mé để tránh bị nhiễm trùng thêm, có thể ngâm rửa bằng thuốc tím pha loãng với nước chín để nguội, thoa dung dịch sát khuẩn hay các loại kháng sinh dưới dạng crème hay pomade hoặc kháng sinh dạng nước.
Nếu bệnh không giảm là sau 1 - 2 ngày, cần phối hợp kháng sinh đường uống. Nếu có mủ, cần đến bệnh viện để tháo mủ, hoặc chín mé do móng thì phẫu thuật cắt phần móng xuyên vào phần mềm. Nếu chín mé do herpes thì dùng acyclovir uống với liều 200mg, uống 4 - 5 lần mỗi ngày, dùng trong 7 - 10 ngày.
Phòng bệnh
Cần tránh làm chấn thương hay trầy xước đầu ngón. Khi làm móng cần sát trùng cẩn thận vùng da - móng và dụng cụ cần được hấp vô trùng cẩn thận.
(Theo Sức khỏe&Đời sống)