Tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na (ngõ 159 phố Vọng, Hà Nội) cho biết, qua khám thực thể con anh Khanh không bị tổn thương gì về thực thể, những biểu hiện của bé chỉ là vấn đề tâm lý, trẻ có những biểu hiện sợ đi học một cách thái quá.
Theo lời kể của gia đình, hiện vợ chồng anh đã chia tay, bé sống cùng với bố. Có thể việc thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, sau đó mẹ bỏ đi đã khiến bé luôn trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi, sợ bị bỏ rơi. Chính vì thế bé không muốn đi học, tiến sĩ Bưởi cho biết.
Trường hợp con anh Khanh không phải là hiếm gặp. Cậu con trai 7 tuổi của chị Hoa (Thanh Hóa) mỗi khi đi học lại sợ hãi đến nỗi co cứng cả chân tay. Hôm nào đi học về cũng toàn kể chuyện cô giáo đánh bạn này, thậm chí đấm bạn kia, bạn ấy khóc rất thương...
"Những chuyện con kể chỉ là sự tưởng tượng, không hề có chuyện cô giáo đánh bạn. Bản thân cháu rất ngoan, học giỏi, chưa bao giờ bị cô giáo phạt. Tôi cũng không hiểu vì sao tự dưng cháu lại sợ hãi khi đến trường như vậy", chị Hoa băn khoăn.
Theo tiến sĩ Bưởi, sợ hãi khi đi học là tâm lý bình thường ở trẻ, nhưng nếu xảy ra thường xuyên và có những biểu hiện đau đớn về thực thể không phải do bệnh lý thì có nghĩa bé mắc chứng sợ đi học. Nỗi sợ này gặp nhiều ở lứa tuổi mầm non, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở tuổi đi học. Trẻ có thể than phiền đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, uể oải… Những dấu hiệu này chỉ xuất hiện vào những hôm đi học, còn bình thường bé hoàn toàn khỏe mạnh. Một số trẻ có biểu hiện đeo bám cha mẹ, người thân quá mức.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự sợ hãi trường học của trẻ. Có thể từ phía gia đình như cha mẹ chia tay, bạo lực gia đình... Cũng có thể do áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Cha mẹ nhiều khi hay khoe: "Cháu học giỏi lắm, toàn đứng nhất lớp", "Cháu toàn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi thành, cấp tỉnh"... Những câu nói tưởng như vô tình này với những trẻ có suy nghĩ già dặn có thể tạo áp lực lớn lên trẻ.
Một số ngại đến trường bởi khó khăn trong việc tiếp thu bài vở, do không thích ứng với sự thay đổi môi trường mới, bị thầy cô mắng, bạn bè đánh, trêu chọc… Ngoài áp lực từ bên ngoài, ở một số trẻ đó có thể là vấn đề về thần kinh.
Tíến sĩ Bưởi cũng cho biết không có cách điều trị chung cho mọi trẻ mắc chứng này. Điều quan trọng cha mẹ cần xác định nguyên nhân vì sao trẻ có phản ứng này, từ đó có biện pháp giúp đỡ trẻ.
Nếu vì trẻ được bao bọc quá kỹ, ở nhà được cưng chiều như ông vua con, cơm bưng nước rót tận nơi, thì khi đến trường, trẻ phải tự học các kỹ năng mới, tự làm mọi việc nên không quen, từ đó sợ đến trường. Lúc này cha mẹ cần tập dần cho trẻ quen với môi trường mới, như dắt bé đến trường, dẫn vào tận lớp con học, chỉ cho bé chỗ sẽ ngồi. Cha mẹ thường xuyên nói những điều tốt về trường học, đến trường con sẽ được làm gì, được chơi gì, sẽ thú vị như thế nào....
Nếu vì sợ bị bỏ rơi, cha mẹ nên từ từ giải thích cho trẻ hiểu: "Con cứ đi học, hết giờ ba (mẹ) sẽ đón con". Cha mẹ cũng lưu ý nên đến đón đúng giờ, để bé không đợi quá lâu, nảy sinh nỗi sợ hãi bị bỏ rơi... Cha mẹ cũng có thể nhờ sự can thiệp từ phía các chuyên gia tâm lý.
(Theo Nam Phương // Hanoimoi Online/VNE)