Bảng dưới đây biểu thị thời gian ngủ điển hình theo số tuổi của trẻ. Thời gian ngủ của từng trẻ có thể khác đến 4 - 5 giờ so với thời gian trung bình.
Tuổi | Thời gian ngủ đêm (giờ) | Thời gian ngủ ngày (giờ) | Tổng giờ ngủ |
1 tháng tuổi | 8,5 | 8 | 16,5 |
6 tháng tuổi | 10.5 | 4 | 14,5 |
12 tháng tuổi | 11 | 2,5 | 13,5 |
24 tháng tuổi | 11 | 2 | 13 |
Tập cho trẻ ngủ riêng ngay khi có thể được
Trẻ dưới 4 tháng tuổi thường khóc do nhu cầu của cơ thể. Ở tuổi này, chúng không thể bị “làm hư”, vì vậy, khi bé khóc, hãy bồng bé lên và ru hoặc âu yếm.
Những âm thanh quen thuộc của người hoặc sinh hoạt ở gần sẽ đánh thức trẻ, vì vậy nên cho trẻ ngủ ở nơi tối và yên tĩnh. Trẻ có xu hướng hay thức giấc, nếu ngủ chung với cha mẹ trong một thời gian dài sẽ quen có cha mẹ kề bên. Do đó, hãy tập cho trẻ ngủ riêng ngay khi có thể được. Nếu con của bạn không thể ngủ một mình thì khi thức giấc nửa đêm, trẻ sẽ khó ngủ lại được.
Những đáp ứng trong thời gian ngủ của trẻ
Trẻ nhỏ thường cần được dỗ hoặc ru ngủ, nhưng những trẻ lớn hơn thì phải học cách tự thư giãn và ngủ mà không cần phải dỗ hoặc ru.
Ảnh minh họa: Internet
Khi trẻ thức giấc nửa đêm, nên chăm sóc trẻ nhanh và đơn giản, không cần nhiều giao tiếp hoặc chơi, nhất là nên tránh những đáp ứng hấp dẫn đối với trẻ. Sau đó đặt trẻ vào giường cũi và rời ra, không để trẻ nghĩ rằng mỗi khi thức dậy là được thưởng bằng các trò chơi và sự quan tâm của bạn.
Thật khó đưa ra một quyết định sáng suốt vào lúc 3 giờ sáng, trong khi có một sự lựa chọn dễ dàng là đưa bé vào giường của cha mẹ. Điều này sẽ làm cho cha mẹ gặp khó khăn về sau vì nhiều bé thường thức giấc vào ban đêm để… được ưu ái ngủ chung với cha mẹ.
Tuy nhiên khi trẻ ốm, hoặc ngủ ở khách sạn, vẫn có thể cho bé ngủ chung giường với cha mẹ nhưng sau đó, khi mọi việc trở lại bình thường, hãy cho bé ngủ ở vị trí cũ.
Nếu bé khóc thút thít vào ban đêm, hãy chờ vài phút để xem đó có phải chỉ là một giai đoạn trong giấc ngủ không. Bé cần được quan tâm, vỗ về nếu như tiếng khóc trở nên to hơn và không thể tự ngưng lại được.
Điều lưu ý là không để trẻ dưới 5 hoặc 6 tháng tuổi “khóc thét lên” vào ban đêm. Nếu bé khóc không kiểm soát được, hãy cố dỗ và ru cho bé ngủ lại, không cho bú nếu có thể được.
Giúp trẻ ngủ ngon hơn
Không để trẻ ngủ ban ngày nhiều có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm. Nếu trẻ ngủ ngon vào ban đêm, trẻ có thể ngủ ngày bao lâu tùy thích. Nếu trẻ khó ngủ vào ban đêm, nên giảm bớt thời gian ngủ ngày của bé.
Thời gian ngủ ngày của trẻ tùy thuộc vào độ tuổi. Trẻ nhũ nhi nên ngủ ngày ít nhất 4 tiếng; đa số trẻ mới tập đi không cần ngủ ngày nhiều, chỉ khoảng 2 hoặc 2 tiếng rưỡi.
Ngoài ra cũng có một số chiêu giúp bé ngủ ngon. Như ở bé khoảng 6 tháng tuổi, cha mẹ cần cho thêm những đồ vật vào giường cũi của trẻ như gấu nhồi bông hoặc đồ vật mềm khác… Sự hiện diện của “bạn” trong giường cũi vào ban đêm cũng có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu.
Duy trì giờ đi ngủ đều đặn phù hợp với lứa tuổi của trẻ là điều thật sự cần thiết. Khi trẻ gần 1 tuổi, hãy bắt đầu trình tự đi ngủ đúng giờ. Mỗi tối, sau khi trẻ được ăn bữa cuối, hãy tắm và mặc quần áo ngủ cho trẻ rồi đặt vào giường cũi vào một giờ đã ấn định.
Sau đó, cần giữ cho trẻ được yên tĩnh, có thể cho trẻ chơi thú nhồi bông, nghe bố mẹ đọc sách hoặc nói chuyện. Chia sẻ thời gian tĩnh này có thể giúp trẻ thư giãn và sẵn sàng đi vào giấc ngủ.
Điều cần lưu ý là không trì hoãn giờ đi ngủ với hy vọng rằng khi bé mệt sẽ dễ ngủ hơn vì khi quá mệt trẻ sẽ dễ mất tự chủ và không thể ngủ một cách thoải mái.
(Theo BS Phạm Ngọc Thanh // Người lao động online)