Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ em khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, nhất là khi trẻ đang trong giai đoạn mọc răng sữa hay thay răng. Bài viết của bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Bệnh viện Mắt- Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, giúp các bậc phụ huynh có hướng chăm sóc tốt cho con em mình.
Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi trùng. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của thuốc có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Đối với trẻ nhỏ, việc chỉ định dùng kháng sinh càng phải thận trọng bởi nhiều cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ, chức năng hoạt động chưa hoàn chỉnh. Chức năng gan thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với ngưới lớn, vì vậy, thuốc dễ tích tụ trong cơ thể, có thể gây ra ngộ độc cho trẻ.
Kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định để giúp bệnh nhân chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh: viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa có mủ, viêm phổi... Có những trường hợp bệnh không thể không sử dụng kháng sinh như: giai đoạn sau phẫu thuật, phòng chống nhiễm trùng, các bệnh mãn tính (viêm thận, viêm bàng quang, viêm khớp mãn...).
Cần phải đặc biệt thận trọng khi cho trẻ dùng những nhóm kháng sinh sau:
- Clotamphenicol: có thể gây ngộ độc cho tủy xương, dùng kéo dài có thể suy tủy, thiếu máu không hồi phục. Đặc biệt, cần lưu ý khi dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ sinh non có thể dẫn tới trụy tim mạch.
- Tetraxycin: không nên dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc làm chậm sự phát triển của xương, ảnh hưởng đến răng, căng thóp ở trẻ sơ sinh.
- Các loại: Streptomycin, gentamycin dễ gây điếc cho trẻ sơ sinh; bactrim dễ gây vàng da và độc đối với thận; negram, nitrofurantoin, rifamixin có thể gây vàng da, nhiễm độc gan
- Các loại kháng sinh có cùng nhóm cycline có ảnh hưởng đến răng trẻ em như: Tetracycline, Doxycycline, Minocycline... Nhóm này khi ngấm vào men, ngà răng trong thời kỳ phát triển (chưa mọc trên cung hàm) sẽ tạo nên phức hợp làm răng sậm màu. Phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ em uống các thuốc này thì răng trẻ có thể đổi màu. Mức độ sậm màu răng tùy thuộc vào từng thời điểm, thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc. Màu răng có thể trở nên vàng, nâu xám hay đen. Sự thay đổi màu này có thể xảy ra trên toàn bộ răng hay chỉ ở một vùng nào đó làm răng có những dãy màu khác nhau. Trường hợp nặng, bề mặt răng còn có thể bị lỗ chỗ, dễ bám màu và dễ sâu răng. Như vậy, việc bắt buộc cho trẻ uống kháng sinh trong thời gian mọc răng (từ lúc mới sinh đến 12 tuổi) đôi khi cần thiết, nhưng không được dùng các loại kháng sinh vừa kể trên.
Điều cần lưu ý là trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên không thể cho rằng: người lớn dùng nhiều thì trẻ em dùng ít. Khi trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai mắc bệnh, nhất thiết phải đến bác sĩ để khám chẩn đoán và điều trị đúng. Không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, nhất là đối với các loại kháng sinh.
(theo Cần Thơ Online)