Bình thường, giai đoạn dậy thì ở bé gái khoảng từ 10 - 13 tuổi và bé trai từ 11 - 14 tuổi nhưng một bé gái chỉ mới 2 - 3 tuổi đã có những phát triển bất thường như ngực to, xuất hiện kinh nguyệt, lông vùng mu, vùng nách thì rõ ràng là dấu hiệu đáng lo.
Ảnh: minh họa - Internet |
Bệnh dậy thì sớm có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân có thể được gọi là ngoại biên như khối u buồng trứng, u tinh hoàn, u hoặc tăng sinh tuyến thượng thận. Nguyên nhân trung ương có thể là u não, hoặc do quá trình xạ trị, phẫu thuật trước đó gây nên, do nhiễm trùng hệ thần kinh. Ngoài ra, dậy thì sớm chưa xác định được nguyên nhân, hay còn gọi là vô căn, cũng được xếp trong nhóm do nguyên nhân trung ương.
Dấu hiệu dậy thì sớm thường xuất hiện trước 8 tuổi ở bé gái, 9 tuổi ở bé trai. Bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, do các sụn tăng trưởng tăng hoạt động, trẻ sẽ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng. Đây cũng là lý do làm cho trẻ bị lùn sau này.
Chữa trị cho một đứa trẻ bị dậy thì sớm phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên. Đối với những trường hợp do nguyên nhân trung ương thì có thể dùng thuốc LH - RHa làm chậm quá trình dậy thì của trẻ. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc LH-RHa khi có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, không nên lạm dụng thuốc khi không đúng chỉ định do các biến chứng có thể có về sau này.
(Theo TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp // Bee)