Bạn có thể lấy khoảng 100 gr đậu xanh khô rang chín, để nguội, dùng vải thưa bọc hạt đậu lại rồi cho vào vại dưa. Ngày hôm sau khi lấy ra, bạn sẽ thấy váng trong vại dưa không còn nữa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng muôi nhẹ nhàng vớt toàn bộ lớp màng trắng bỏ đi. Sau đó, dùng hành lá cắt khúc hay hành tây cắt mỏng xếp lên dưa chua và cho tất cả vào tủ lạnh, lớp màng mốc sẽ không còn nữa. Môi trường lạnh sẽ ngăn cản quá trình phát triển của váng mốc, tinh dầu thơm, đồng thời chất kháng sinh tự nhiên Fitonxit ở hành cũng loại trừ các sinh vật gây hại này.
Vại dưa có bị váng hay không phụ thuộc vào cách bạn làm và bảo quản. Công thức chung khi chuẩn bị nước muối dưa là một lít nước đun sôi để nguội hòa 3 thìa muối muối, 1 thìa đường, đổ vào vại cho ngập dưa. Nếu cho quá nhiều muối, dưa sẽ mặn, lâu chua, nhưng nêm quá ít muối thì dưa lại bị ủng, nổi váng.
Hành lá là nguyên liệu không thể thiếu khi muối dưa bởi nó sẽ giúp dưa thơm lâu, lại góp phần đặc trị váng. Để dưa ngấm đều nước, không bị thâm đen, bạn cần dùng khay nhựa hoặc đĩa lèn chặt cho dưa luôn ngập nước.
Bạn có thể sử dụng lại nước muối khi vại dưa đã hết bằng cách để lắng, sau đó gạn lấy nước trong để làm dưa mới, nhưng không cần cho đường mà chỉ nêm thêm muối cho vừa.