Xưa kia, người dân quê châu thổ sông Cửu Long thường nấu bánh canh với tôm càng xanh. Để làm món này, các bà nội trợ lựa tôm sống lột bỏ vỏ, quết, băm nhỏ, hoặc dùng bản dao đập dẹp tôm rồi băm sơ, sau đó đem ướp gia vị cho thấm. Còn sợi bánh canh thì được làm từ loại bột gạo ngon cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh. Người nấu vừa cầm cổ chai, vừa lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao bén ngót xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đun sôi. Bàn tay họ, nhất là bàn tay các cô thiếu nữ quê mùa mới đẹp làm sao, duyên dáng làm sao khi “thả” từng sợi bánh trắng ngà vào khoảng không gian đầy hơi nước nóng hổi ấy.
“Lấy trùng” xong, người ta vớt các sợi bánh cho vào thau nước lạnh rồi đưa ra rổ, để ráo. Bắc nồi nước có pha nhiều nước dão dừa vào, đun sôi, cho tất cả sợi bánh canh vào. Nước sôi, cho tôm vào. Sôi vài dạo, nêm nếm vừa ăn, chan nước cốt dừa lên, múc ra tô rắc tiêu, ớt, hành, ngò làm mặt. Màu xanh của hành ngò, màu đen của tiêu bột, màu trắng của thịt tôm, màu đỏ của ớt sừng trâu cùng màu gạch tôm nổi bật trên cái nền trắng như sữa của tô bánh canh bốc hơi nghi ngút, tỏa ra một hỗn hợp hương vị vô cùng quyến rũ. Múc một muỗng, nhẩn nha nhai, vì nóng quá, sao mà nghe cả đất đai sông rạch như hòa tan trong đó. Càng ăn càng nghe sảng khoái râm ran khắp cơ thể. Mồ hôi tươm ra, thật là khỏe khoắn. Sau này món bánh canh truyền thống ấy được “nâng cấp” thành bánh canh cua biển, phổ biến ở vùng duyên hải. Khi “nhập” vào TP.HCM, món ăn này có thêm sự hiện diện của giò heo nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực cao cấp của một số thị dân có đời sống sung túc. Giò heo làm sạch, cho vào nồi nấu. Đó là lúc người ta đã làm sạch cua, bóc lấy gạch để riêng, vắt vài giọt chanh khử mùi tanh đặc trưng của thịt cua. Chặt cua làm tư cho vào nồi, vài phút sau thì múc ra tô rắc tiêu, hành, ngò làm mặt. Nhưng đó là cách nấu trong gia đình, còn ở hàng quán thì người ta bóc lấy thịt và gạch cua để riêng. Vỏ cua người ta cho vô nồi nấu lấy nước lèo. Như vậy, tô bánh canh cua biển giò heo mới giúp thực khách thưởng thức một cách thuận tiện, ngon miệng. Tuy nhiên, với “biến tấu” này, bánh canh cua giò heo đã mất đi tính truyền thống của tô bánh canh tôm của người dân khu vực châu thổ sông Cửu Long. Tô bánh canh thị thành lỏng le chứ không sánh đặc như tô bánh “quê mùa” kia. Cho nên ăn bánh canh cua biển giò heo chỉ là phút ngẫu hứng “đổi món” cho vui, chứ thật ra ăn bánh canh tôm hoặc bánh canh cua đồng mới là điều dễ chịu theo thói quen ẩm thực của người dân đồng đất nơi này với nước cốt dừa béo mê mẩm chân răng. Bánh canh cua đồng chỉ thực hiện được vào mùa mưa, khi cua đồng rộ lên ở các cánh đồng lúa mơn mởn đòng đòng, con nào con nấy mập ú, thấy ham!
Cua đồng rửa sạch, lấy gạch để riêng, cho vào cối đâm nhuyễn pha nước lạnh, lọc bỏ xác. Nồi bánh canh sôi, cho thịt cua rồi nước cua đồng vào, để lửa riu riu. Nước sôi vài dạo, nước cua đồng đóng thành riêu thì múc ra tô, rắc hành, ngò, tiêu, ớt làm mặt. Cũng là một món ăn hấp dẫn thần khẩu vì vị béo của nước cốt dừa cùng vị ngọt của cua đồng cùng mùi thơm của rau cỏ hòa quyện khắp khẩu cái. Hấp dẫn hơn là sợi bánh canh sau khi được bàn tay thon thả của ai đó cầm dao xắt nên “có hồn”. Nó là niềm hãnh diện hiếm hoi còn sót lại hôm nay và đã được một quán bánh canh ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) “khoe” trên bảng: “Bánh canh bột xắt”. Hãnh diện là phải vì so với sợi bánh công nghiệp đều ran qua máy ép vô cảm, sợi bánh bột xắt ẩn chứa nhiều cảm xúc tươi mới. Nhưng tuyệt chiêu hơn, bánh canh bột xắt cua đồng ngoài đem lại sinh lực còn có giá trị y dược giúp cơ thể con người ngăn ngừa được một số bệnh tật. Theo lương y Vũ Quốc Trung, cua đồng có hàm lượng protein cao, giàu vitamin và đặc biệt là các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người. Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, có tác dụng hoạt huyết, chữa tổn thương gân, xương, sản phụ máu không ra hết sinh đau bụng, trong lòng bồn chồn phiền muộn, trẻ em hở thóp, chữa bệnh cảm phong tà phát sốt, giải các thứ độc, hút được độc ra ngoài cơ thể, chữa mụn nhọt, giúp cứng xương, nuôi gân. Trong trước tác của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều có nói tới tác dụng chữa bệnh của cua đồng. Theo các tài liệu của Trung Quốc, cua đồng có tác dụng điều trị các triệu chứng ung thư rất tốt. Bệnh nhân ung thư vòm họng thường bị nổi hạch ở cổ, cua đồng có tác dụng “tiêu hạch, tán kết” nên ăn cua đồng là rất tốt. Đối với bệnh nhân ung thư tuyến vú cho ăn cua đồng và lấy mai cua, càng cua rửa sạch, phơi khô, nghiền thành bột mịn pha với nước uống rất thích hợp.
(Theo Phương Kiều/Hậu Giang)