Hàng năm, vào mùa nước nổi, người dân miệt trên (An Giang), nơi “nửa năm đi trên mặt nước, sáu tháng đạp trên đất đồng khô”, bắt đầu được thưởng thức hương vị tuyệt vời từ Biển Hồ (Campuchia) ban tặng. Đó là cá linh non. Cá linh non nhỏ cỡ mút đũa, thân lấp lánh vảy bạc nằm khoe mình khắp các chợ nhỏ chợ to nơi đồng đất ngập nước lênh láng này. Người người hân hoan mua cá về, chế biến thành nhiều món ngon vừa túi tiền, nếu không muốn nói là khá rẻ so với các loại cá nước ngọt khác đang mùa. Giản tiện hơn hết là cá linh chiên tươi, chiên bột, kho lạt, kho mẳn, kho me non, nấu canh chua bông súng... Nhưng ngon nhất và “quyến luyến chân răng” nhất có lẽ cá linh non nấu ngót.
Để có cái lẩu ngót ngon, người ta cho rất nhiều cá linh non vào nấu với me trái cùng cà chua, hành cọng, nấm rơm. Nồi lẩu sôi vài dạo, cá đã chín tới, nêm nếm gia vị các thứ vừa ăn, gắp mấy đũa bông điên điển vàng rực màu nắng trời trộn lẫn bông súng ngắt khúc cùng ngò om, ngò gai nhận vào. Khỏa đều vài đũa là có thể gắp ra chấm nước mắm ớt hoặc muối hột đâm ớt, thưởng thức. Vị ngọt của cá, vị mặn của muối, vị cay của ớt hòa quyện khẩu cái ta thơm thoảng hương vị của đất đai quê nhà trong từng đoạn bông súng, ngọn rau và xương cá tan giòn nhẹ trong răng... Bạn bè chuyền tay nhau ly rượu đế cay nồng, ấm áp. Vừa nhẩn nha thưởng thức vừa lắng nghe người địa phương kể chuyện đánh bắt cá linh hồi “nẳm” (hồi xưa) mà mê mẩn cả tâm thần. Trời ơi, cá gì mà dữ thần vậy, đặc ngừ cả khúc sông, vô nhóc lưới, phải xổ bớt nếu không muốn bể rách lưới! Càng nghe càng cảm nhận được bao điều sinh thú của cuộc đời đọng trong từng con cá, lá rau. Tất cả từ từ thẩm thấu vào tâm hồn ta khiến ta thêm yêu mảnh đất đầu nguồn sông Hậu biết dường nào, nhất là những khi vào mùa cá linh non.
(Theo Phương Kiều/Hậu Giang)