Để có một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý nên giảm ăn thịt thay bằng cá và các loại đậu đỗ, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ đậu nành như đậu hũ, tàu hũ… có hàm lượng chất đạm và canxi cao
Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cao nhất trong các loại thực phẩm, không sử dụng quá nhiều cũng không nên kiêng khem quá mức đều ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Hạn chế sử dụng đường (dưới 20g/ngày, khoảng bốn muỗng cà phê), muối (dưới 5g/ngày, khoảng một muỗng cà phê). Tăng cường sử dụng các loại rau củ quả và trái cây tươi vì đây là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin A, B, C…, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giàu chất xơ chống táo bón, ngăn ngừa các bệnh lý ung thư đường tiêu hoá, đặc biệt là chứa nhiều chất chống oxy hoá sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào và duy trì được tuổi thanh xuân.
Để cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể không phải ăn thật nhiều là đủ vì ăn uống không chừng mực, ăn quá nhiều so với nhu cầu có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường…
Các bà mẹ trong gia đình cần cân đối giữa thực phẩm động vật và thực vật để chế biến bữa ăn hàng ngày (từ 15 – 20 loại thực phẩm), nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, cái gì đắt tiền thì mới bổ.
Để góp phần nâng cao sức khoẻ và giúp cho bữa ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn, cần chú ý đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và cả vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Theo BS Lê Kim Huệ, trung tâm Dinh dưỡng Thành Phố)