Mấy năm gần đây, báo chí liên tục đưa tin các vụ ngộ độc rượu với số người ngộ độc mỗi năm một tăng, và trường hợp thiệt mạng do ngộ độc rượu dởm không hiếm.
Ảnh minh hoạ |
Một số kẻ táng tận lương tâm, kinh doanh theo phương châm “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, chúng sản xuất rượu giả - từ rượu “cuốc lủi” từng có “thương hiệu” đến rượu chính thống như “Lúa mới”, “Nếp cái hoa vàng”… đến cả rượu cao cấp nước ngoài… với “công nghệ” sản xuất là dùng cồn công nghiệp pha với nước lã và tinh dầu (chanh, cam…) thêm phẩm màu rồi tung ra thị trường bày bán công khai.
Trong rượu giả có chứa thành phần nguy hại methanol (methyl alcohol), vốn là hóa chất dùng làm nguyên liệu trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, sơn phun và chất dẻo, da nhân tạo…
Nó rất giống chất rượu cồn đích thực trong rượu đủ tiêu chuẩn (chất alcohol), đều có đặc tính cũng là loại chất lỏng không màu, dễ bắt lửa, dễ bay hơi, cũng có mùi alcohol đặc trưng, nhưng chúng có tỷ trọng, điểm sôi và áp suất bay hơi rất khác nhau.
Sau khi uống nhầm phải rượu giả thời kỳ ủ bệnh nói chung trong khoảng 8-36 tiếng đồng hồ, ở người không biết uống rượu thời gian phát bệnh tương đối nhanh.
Ngộ độc mức độ nhẹ thì xuất hiện các triệu chứng váng đầu, nhức đầu, ù tai, mất ngủ, chân tay rã rời và miệng khát họng khô rát, lợm giọng, nôn ói và thị lực giảm sút, hanh động chệch choạc (huơ chân múa tay, đi đứng ngất ngưởng) phần bụng trên đau quặn từng cơn.
Ngộ độc mức độ trung bình sẽ thấy váng đầu, nhức đầu, tinh thần lơ tơ mơ, nhãn cầu đau tức, bởi thần kinh thị giác bị co rút nên có thể dẫn tới mù vĩnh viễn.
Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây đầu óc choáng váng, quay cuồng, lợm giọng, nôn ói, ý thức mơ hồ, hai mắt không còn nhìn thấy gì, chân tay co giật tựa động kinh, rơi vào trạng thái hôn mê, cuối cùng thường suy kiệt khả năng hô hấp mà chết!
Methanol sở dĩ gây độc mạnh đối với cơ thể người, vì sau khi nó bị hấp thụ tại ruột non qua chuyển hóa oxy hóa thành formaldehyde và fornic acid.
Độc tính của formaldehyde mạnh gấp 30 lần so với alcohol, độc tính của formic acid cũng gấp 6 lần so với alcohol. Cộng với tốc độ phân giải của chúng trong cơ thể cũng rất chậm, lại không dễ bị bài thải ra ngoài, nên rất dễ lưu cữu tích ứ gây độc.
Alcohol không dễ làm người uống “quắc cần cầu” tới mức liêu xiêu “chân nam đá chân chiêu”, bởi vậy mà khi ngộ độc thì say rượu không phải là triệu chứng chính.
Nói chung khi uống nhầm phải rượu giả, chỉ cần 5-10cc (ml) đã có khả năng ngộ độc. Uống 10cc trở lên có thể làm nhãn cầu đau tức, thị lực mờ ảo, thậm chí mù lòa luôn. Uống 30-100cc có thể mất mạng. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 48 tiếng sau khi uống.
Người chết do ngộ độc rượu dởm, qua mổ khám nghiệm tử thi phát hiện, niêm mạc dạ dày, ruột thường bị sưng tấy và sung huyết nghiêm trọng và còn có hiệu tượng não, phổi phù nước.
(Theo Bùi Hữu Cường // Tri thức trẻ)