Lối ăn của người miền núi thường gần gũi các món nướng. Có dịp đi lên vùng cao phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, du khách sẽ có dịp thưởng thức món diềm lợn rất lạ miệng. Khi nướng lên, diềm lợn sẽ có mùi vị thơm, béo, ngậy. Món diềm nướng thường xuất hiện trong bữa tiệc rượu hay cỗ bàn thết khách của người Vân Kiều.
Món diềm nướng kiểu giả cầy. Ảnh: Vũ Hào |
Sau khi mổ lợn, người ta lấy diềm là thớ thịt săn chắc lóc ra từ phần ngấn cổ con lợn (còn gọi là nọng). Thịt diềm của một con lợn béo cũng không vượt quá 5 cân nên hiếm. Tính chất của diềm là nửa nạc, nửa mỡ, sau khi nướng lên giòn và béo ngậy. Diềm chỉ cần rửa sơ qua nước lã và xát muối sống cho sạch trước khi chế biến. Thịt diềm màu trắng đục, nướng lên đổi sang màu đỏ gạch.
Theo về miền xuôi, trong các nhà hàng, “làng nướng”, món diềm nướng của núi rừng được nhiều người ưa thích bởi mùi thơm của thịt khi đang nướng chín trên bếp than, với những tiếng xèo xèo vui tai của nước diềm nhỏ vào than và cảm giác háo hức để chờ đón từng miếng diềm thơm ngon vừa chín. Nướng diềm cũng phải có kinh nghiệm, thịt không chín quá mà cũng không sống.
Nhắc đến diềm nướng là nhớ ngay đến muối sống. Muối sống giã sơ sơ với ớt chín là một gia vị đặc biệt không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Muối để nguyên hạt, đâm với ớt đỏ nhưng không được nát, muối trắng quyện với ớt đỏ trông vừa đẹp mắt, nhìn ứa nước miếng. Món muối ớt này có thể ăn dặm với các trái cây có vị chua như xoài, sơ ri, thơm, bưởi, mận…
Khi quán mang ra đĩa diềm đã nướng, diềm chín màu đỏ như gạch vừa đút lò, thái nhỏ thành miếng. Các đĩa đựng rau rửa sạch như lá mơ lông, diếp cá, cải non dùng để gói diềm. Đu đủ, dưa leo thái sợi, và các củ riềng bóc vỏ để riêng. Tỏi, ớt, tiêu hạt còn xanh. Sau đó khách thong thả dùng cải non gói hỗn hợp thịt diềm nướng, lá diếp cá, mơ lông, đu đủ, dưa leo và rau thơm, ớt thái nhỏ. Diềm nướng ăn ngon hơn nếu có bánh đa nem kèm theo.
Không chỉ có màu sắc bắt mắt, diềm nướng còn có hương vị tổng hợp của các loại rau, củ riềng, hạt tiêu xanh và thịt diềm nướng giòn, ngọt thật thú vị. Khách tự gói miếng diềm vuông vức như miếng nem, rồi để cảm nhận được hương vị của thịt và các loại rau củ, người ăn phải nhai từ từ, nhấm nháp từng chút một.
Tuy nhiên, để cảm nhận đầy đủ vị ngon diềm nướng thì phải người sành ăn mới biết phân biệt được thứ hồ tiêu (còn xanh) chính gốc làng Cùa (Quảng Trị). Chỉ cần thiếu thứ gia vị này, món diềm nướng sẽ chẳng còn hương vị núi rừng hấp dẫn. Thật vậy, diềm nướng có mùi vị nồng cay ăn rất hạp với lá mơ lông, củ riềng, hạt tiêu xanh có mùi hơi hắc…Chỉ cần cho vài hạt tiêu xanh vào, cuốn bằng lá mơ lông, món thịt nướng bỗng trở nên vô cùng thơm ngon khi được ăn kèm cùng một số rau sống phù hợp như cải cay, diếp cá…
Thật đầm ấm sau một ngày lao động, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm diềm nướng được dọn lên, cầm đũa gắp một miếng thịt cho vào miệng nhai chậm rãi, nhai một đọt riềng chấm muối ớt, cùng đôi ba hạt tiêu xanh non. Vị ngọt của thịt nướng tới, quyện vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của các loại rau như đánh thức mọi giác quan, xua đi bao nỗi nhọc nhằn.
Bất cứ ai có dịp lên Trường Sơn và thưởng thức món diềm nướng của người Vân Kiều, hẳn không bao giờ quên món ăn lạ, thơm thơm, ngai ngái mùi thịt, rau, gia vị của núi rừng.
(Theo Thời báo kinh tế SG)