Ẩm thực Bình Định có nhiều đặc sản như rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, chim mía Phú Phong và những món ngon dân dã như bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi lòng heo, mắm đam (cua đồng) ... món nào cũng có mùi vị đặc trưng của miền đất võ. Dịp gần đây, tôi được bạn hữu ở Quy Nhơn giới thiệu một món không lạ, hầu như nơi nào cũng có nhưng quả thật hương vị không đâu bằng. Đó là món bồ câu tiềm thuốc bắc.
Để thưởng thức đúng điệu món bồ câu tiềm thuốc bắc ở Quy Nhơn, các bạn đưa tôi đến Quảng Tế Đường, một hàng ăn trên đường Trần Hưng Đạo, chủ nhân vốn thuộc gia đình mấy đời cha truyền con nối là thầy thuốc bắc.
Bồ câu tiềm thuốc bắc. Ảnh: Khúc Duy Tiến |
Câu chuyện của chị chủ quán kể về cái nghề này, chỉ nghe thôi đã đủ thấy thú vị và phấn khích rồi. Nguyên ngày trước trong tiệm thuốc bắc của cha chị có bán thêm một loại rượu thập toàn đại bổ. Khách quen ghiền rượu thường ghé uống dăm ba chén, nhưng muốn ngồi lâu chẳng lẽ uống suông nên khách mới đề nghị chủ quán nghĩ xem làm món chi ghé thêm để họ ngồi lai rai lâu hơn một chút. Thế là món bồ câu tiềm Quảng Tế Đường ra đời. Và cũng theo chị, nếu chế biến món này với đầy đủ các vị thuốc đúng như bài bản sách vở thì rất nặng mùi thuốc bắc, rất khó ăn nên chỉ giữ lại các vị thuốc như quy, táo đỏ, sâm (phòng đảng sâm) ... vừa bổ lại vừa thơm ngon.
Bồ câu tiềm thuốc bắc của Quảng Tế đường chế biến rất khéo, mùi vị thuốc bắc chỉ vừa thoảng hương nhẹ và làm cho nước chưng (nước súp) thêm đậm đà, ngọt thanh. Thịt bồ câu vừa đủ mềm, không bị già lửa quá nên dùng không ớn. Hợp nhất là dùng với bánh mì.
Lẽ ra, món bồ câu tiềm nghĩa là phải chưng cách thủy từng con một trong một cái thố nhỏ; nhưng vì lượng khách nhiều quá nên quán phải chưng cất theo kiểu đại trà, vài chục con trong một nồi lớn. Thế nhưng mùi vị không vì thế mà thay đổi; bởi gia vị, các vị thuốc được tính toán sao cho vừa đủ. Bồ câu phải là bồ câu “mới ra ràng”, vừa mới mọc đầy đủ lông con chứ bồ câu già quá thì không còn ngọt, thịt bị dai.
Bồ câu tiềm thuốc bắc ăn với bánh mì và theo "gu" ở Bình Định thì phải có cả bánh tráng nướng để vừa nhâm nhi với rượu thuốc vừa no bụng. Ảnh: Khúc Duy Tiến |
Khi dọn ra, mỗi người mỗi khẩu phần gồm 1 con bồ câu và nước dùng, ăn với bánh mì. Mới nhìn qua trên bàn ăn, thực khách đã thấy nôn nao bởi cái màu vàng sẫm sóng sánh, lặc lừ thật tuyệt. Mỗi tô đều bốc khói thơm lừng, một mùi thơm dễ chịu, đánh thức vị giác. Đêm Quy Nhơn trời se se lạnh, thưởng thức món bồ câu tiềm thuốc bắc Quảng Tế Đường bên chung rượu gia truyền thập toàn đại bổ thì không có gì tuyệt vời hơn.
Chị chủ quán cho biết: Chim bồ câu là loại thịt giàu dinh dưỡng, có nhiều đạm, thịt mềm mịn, ít mỡ, nếu so với thịt gà thì hàm lượng protein trong thịt chim bồ câu cao hơn nhưng hàm lượng mỡ lại rất thấp nên phù hợp cho người có tuổi và người bệnh tim mạch. Thịt bồ câu lại chứa nhiều vitamin B và nhiều yếu tố vi lượng khác có tác dụng bổ âm, bổ thận, ích khí, kiện tỳ... dùng rất tốt với người bị bệnh rụng tóc, hói đầu, tóc bạc sớm, suy nhược, gầy gò, phụ nữ huyết hư… Đông y cho rằng thịt chim bồ câu có vị mặn, tính bình, giải độc, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa và nhiều bệnh khác.
Đúng là "con nhà nòi", nghe chị chủ quán nói chuyện cứ như có thêm "gia vị" cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn, ngon miệng hơn nhiều.
(Theo Thời báo kinh tế SG)