Trong cái rét hanh hao của những ngày cuối tháng Giêng, ngồi trên chiếc xe khách chạy tuyến Nam Định - Hải Phòng, điểm thu hút tôi nhất là những tấm biển quảng cáo “Bánh cáy làng Nguyễn” nối tiếp nhau không dứt trên quốc lộ 10, kể từ địa giới Đông Hưng, Thái Bình.
Chỉ ở lại Thái Bình vài ngày, mọi người đã dặn tôi lần sau ra đây, “không cần những biển báo địa giới, không cần hỏi thăm ai, mọi người đều dễ nhận biết khi đã đi hết đất Nam Định sang tới đất Thái Bình, ấy là vô vàn những biển hiệu của cửa hàng bán bánh cáy nổi bật trên màu xanh của đồng lúa bạt ngàn”.
Chiếc bánh cáy làng Nguyễn. Ảnh: Vũ Hào
Bánh cáy được làm từ bàn tay khéo léo của những người dân làng Nguyễn thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ thành phố Thái Bình, xuôi theo quốc lộ 10, rồi rẽ trái vào quốc lộ 39, sẽ đến xã Nguyên Xá. Bắt đầu từ cổng chào đầu làng đã thoảng mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp, của nha, của mứt, đấy là ta đã đến đất làng Nguyễn - quê hương của món bánh cáy nổi tiếng.
Ủ mạ giống nếp cái hoa vàng chuẩn bị vào vụ cấy ở làng Nguyễn. Ảnh: Vũ Hào |
Nhìn thoáng qua, miếng bánh cáy có những điểm màu vàng trăng trắng, xen lẫn màu hồng cam, hơi giống như trứng con cáy biển. Xưa kia bánh cáy Thái Bình được người nông dân làm ra để dâng lên các vua nhà Nguyễn, được vua khen ngon, từ đó dân làng Nguyễn nức tiếng về món bánh độc đáo. Tất nhiên nếu vua không có lời khen, thì bánh cáy vẫn ngon; nhưng chắc đã không nức tiếng, lưu danh xưa nay chăng?
Bánh cáy trước đây được làm hoàn toàn thủ công, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, máy móc đã hỗ trợ cho con người đỡ vất vả. Về nguyên liệu thì vẫn như cũ “xưa bày nay làm”, để cho ra những vuông bánh đẹp và ngon. Bánh cáy được làm hoàn toàn bằng nếp “cái hoa vàng”, quả gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí, mạch nha và hương hoa bưởi.
Nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (người làng Nguyễn gọi hạt nếp này là “con cáy”). Thóc tẻ rang lên trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thứ gọi là hạt “nẻ”. Rồi lấy mỡ phần loại ngon, cơm dừa bào sợi, cho ướp đường nửa tháng. Lại chiên vàng những “con cáy”, trong dầu ăn. Mạch nha được ủ rồi đem nấu trên bếp than đỏ hồng. Xong, đảo thật đều tay những “con cáy”, hạt nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm tí hương hoa bưởi khi đã đến độ kết dính thích hợp. Cuối cùng cho bánh cáy vào khay ép phẳng, lúc bánh còn nóng rắc vội một lớp vừng và lạc thơm. Cắt bánh thành từng vuông, để nguội đem đóng hộp, dán nhãn là xong. Giá bánh hiện nay gồm 3 loại, chỉ 35.000 - 60.000 đồng/hộp.
Bí quyết làm bánh cáy của người làng Nguyễn thuộc vào công đoạn nhào trộn nguyên liệu và chiên, ép bánh. Thế nào mà chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Chiếc bánh vừa chín, dẻo, không khô và cứng. Hương vị bánh cáy cay và nồng, nên thích hợp với tiết trời giá rét mùa đông hay mùa xuân hơn cả.
Ai cũng có một vài kỷ niệm cho một chuyến đi xa của mình. Với tôi, đó là những buổi sáng cuối tháng Giêng, trời Thái Bình còn sương sa se lạnh, hơi sương theo gió lùa vào tận phòng khách. Được thưởng thức món bánh cáy với chén nước chè đặc sánh, rít thuốc lào Vĩnh Bảo, bên những bác nông dân chân chất và hiếu khách. Thật khó quên…
(Theo Thời báo kinh tế SG)