Môn ngọt có hình dáng giống như cây bạc hà, thân thấp và chắc. Trên đọt tàu lá có chấm màu nâu, đầu lá bầu. Môn ngọt có vị ngọt, làm món ăn gì cũng ngon như: xào thịt, làm bánh xèo, nấu canh chua, làm gỏi…; khác với môn nước (còn có tên là môn ngứa), mọc khắp nơi ở ĐBSCL, không ăn được, chỉ làm thức ăn gia súc. Trên đọt tàu lá có chấm màu trắng, đầu lá nhọn. Toàn thân chứa một thứ nhựa rất ngứa khi ăn vào hoặc đụng phải.
Nghe đến món gỏi môn, không ít người ngạc nhiên vì ít ai ăn sống cây khoai môn. Nhưng, thực tế đó là món ăn khá hấp dẫn, đặc biệt khi làm món gỏi gà trộn môn ngọt.
Gà ta chọn con khoảng 1 – 1,5kg, có gà giò càng ngon. Gà luộc để lấy nước nấu cháo. Nên nấu với gạo rang và cháo phải loãng, húp nóng mới ngon.
Thịt gà luộc chín lấy ra xé phay. Thêm gia vị nước cốt chanh tươi, muối, đường, một ít nước mắm ngon trộn đều vừa khẩu vị. Cọng môn ngọt tước vỏ, rửa sạch, xắt xéo thành miếng dày cỡ 2 – 3mm. Lại trộn gia vị như trên vào môn cho vừa ăn. Dùng tay bóp nhẹ môn cho thấm đều.Hái một nắm rau răm rửa sạch, xắt nhuyễn trộn cùng gà với môn. Thêm vài lát hành tây cùng đậu phộng rang đâm giập rắc lên! Tuỳ theo sở thích của mỗi người, pha một chén nước mắm chanh, tỏi, ớt hay một chén muối ớt có vắt chút chanh. Nhớ là muối hột rang đâm với ớt hiểm, mới đúng bài.
Khi ăn, để miếng bánh tráng nhúng vào lòng bàn tay, gắp một miếng thịt gà có kèm miếng môn ngọt cuốn lại chấm vào chén muối ớt.
(Theo Hữu Tưởng/SGTT)