Nhưng rồi không hiểu sao nem nướng lại tàn lụi ở cả hai nơi? Những người ăn nem nướng năm xưa không sao quên được cái thú ăn uống thời trước!
Để làm nem nướng, phải chọn thịt nạc vừa mới sả còn bốc hơi nóng. Thịt thấm sạch máu bằng khăn the hoặc giấy xốp, rồi lạng bỏ gân, bầy nhầy. Dùng que nhỏ, nhọn xăm đều miếng thịt để máu tươm ra, thấm khăn the lượt nữa cho thật sạch máu (nếu là thịt phi-lê thì khỏi qua công đoạn này) rồi xắt lát mỏng ướp tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, bột ngọt... Khoảng nửa giờ sau, gia vị thấm đều, cho thịt vào cối quết, thêm chút đường và tiêu xay. Khi thịt quết chuyển màu trắng, dẻo, quấn đầu chày, người ta vo viên xiên vào que, đem nướng trên lửa than cháy yếu đến khi thịt chín vàng đều thì thoa mỡ hành.
Cũng như một vài món ăn khác, người Nam bộ ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Nem nướng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, khế... hơn bao giờ hết, và nó lại càng cần một món ăn kèm khác là bánh hỏi. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem, phải là tay sành mới gói thật điệu nghệ sao cho nem nướng, rau thơm, xà lách, dưa chua, bánh hỏi nằm đều, suôn, thon vừa, gọn thành một cuốn đẹp mắt. Cuốn bánh chấm nước mắm tỏi chanh đường hay tương nếp. Tuy là một món đơn giản, nhưng công phu pha chế không phải ai cũng làm được. Về sau, người ta ưa dùng tương xay thay loại nước chấm truyền thống này. Cũng như nước mắm chanh đường, tương xay được pha chế theo một công thức gia truyền. Chính thứ nước chấm này quyết định sự ngon lành của món ăn.
Dù vắng mặt đã lâu, lớp người trẻ tuổi không mấy ai biết được, nhưng khi “sống lại”, nem nướng nhanh chóng trở thành món ăn được ưa thích. Chính vì thế ma khi khai trương đến giờ, quán Thanh Vân trên đại lộ Hòa Bình, thành phố Cần Thơ, trở thành điểm hẹn của những người sành ăn. Ngoài hương vị tuyệt vời của nem nướng, quán còn một “đặc chiêu” là dưa sả. Những lát sả gốc làm dưa tuy tầm thường nhưng “lợi hại” vô cùng. Nó vừa ngọt vừa chua dịu lại thơm thơm mùi tinh dầu, ăn chơi đã thấy sướng miệng lắm rồi, thì khi ăn kèm với cuốn nem nướng mới “đã cái khẩu” làm sao!
(Nguồn: CÁT LỘC // Haugiang Online)