Tôi sinh sống và làm việc đã gần hai chục năm nay trên mảnh đất cực bắc Tây Nguyên, đã nghe nói thật nhiều về món ăn “có một không hai” – đó là món gỏi lá Kon Tum, thú thực đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp được thưởng thức món ăn độc đáo này, quả là “danh bất hư truyền”...
Trước mặt chúng tôi là một cái bàn rộng bày la liệt hàng chục loại lá rừng xanh non mơn mởn trông thật bắt mắt. Trước khi “ăn lộc” rừng và thưởng thức món ăn, chị chủ quán Lê Thị Oanh cho biết, món gỏi này có tới 60 loại lá khác nhau. Đang giữa mùa khô Tây Nguyên, mà các loại lá rừng hầu như không thiếu một loại nào. Những loại lá có mặt trong món này được chọn theo tiêu chuẩn: hương vị phải có đủ bốn vị chính là: chua, cay, đắng, chát...
Trong “rừng lá” này chúng tôi chỉ nhận mặt được một vài loại lá quen thuộc như: đinh lăng, lá sung, xoài, ổi, cóc, lá vừng, lá bứa, ngũ gia bì, lá hồng ngọc, húng hắng, lá mơ, diếp cá, tía tô, kinh giới, cải xanh... còn mấy chục loại lá khác thì chịu. Gỏi lá được dọn ăn kèm với thịt cá lóc, cá trắm cỏ, cá chép, thịt heo ba chỉ luộc, tôm suối hấp. Để có được món gỏi thơm ngon, yếu tố quan trọng nhất là nước chấm. Theo chị Oanh, công thức gồm mẻ, gừng, riềng, thịt nạc và điều quan trọng còn phụ thuộc vào “tay nghề” pha chế, khi quệt món gỏi vào nước chấm sền sệt, ăn có hương vị rất khó diễn tả...
Các công đoạn chế biến món gỏi lá cũng lắm công phu. Khi lấy các loại lá từ rừng về phải biết cách bảo quản sao cho thật tươi, lá phải xanh non. Riêng loại cá ăn kèm phải trải qua nhiều công đoạn chế biến: róc thịt, lược bỏ hết xương ra, thái mỏng, cho vào một ít chanh và ướp với gừng, riềng trong 10 giờ để thịt cá chín và hết mùi tanh, đủ độ cứng và thấm gia vị. Khi ăn, thay vì dùng bánh tráng để cuốn, chủ quán hướng dẫn người ăn lấy từng loại lá đan lại với nhau thành hình chiếc phễu, gắp bỏ thêm miếng thịt, mấy lát cá và con tôm chiên vàng, chế vào đó một muỗng nước chấm. Có như vậy, món ăn có đủ hương vị chua chua, cay cay, xen lẫn bùi bùi, đăng đắng của lá và vị béo thơm ngậy của thịt, cá, tôm. Người thích nhâm nhi có thể uống rượu ngâm đinh lăng.
( Theo Tấn Tài - Tấn Lộc // SGTT Online)