Trái thanh trà trên cây. Ảnh: Phương Kiều |
Hằng năm, cứ vào đầu mùa nắng dữ, khoảng sau tết Nguyên đán là khu vực xã Đông Thành (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) vào mùa thanh trà. Bấy giờ, những trái thanh trà được người dân nơi đây treo bán dọc theo quốc lộ 54, dài ra tận đoạn đường dẫn lên cầu Cần Thơ.
Đi trong trời nắng gắt, nhìn cái màu vàng cam của những xâu thanh trà treo tòn ten bên mái lá, mái dù đã thấy cơn khát cháy khô cổ họng dịu ngay. Tất nhiên khó ai kềm lòng ghé vào, ăn thử và mua ngay. Hồi đầu mùa, cỡ sau tết Nguyên đán, giá thanh trà bán tại Đông Thành 40.000 đồng/kg. Nhưng bây giờ trái đang rộ nên giá mềm hơn, xuống còn 30.000 đồng/kg. Riêng tại dốc cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long thì giá “cứng” hơn.
Xã Đông Thành có 40 héc ta đất nông nghiệp, diện tích trồng thanh trà chiếm hết phân nửa, từ ấp Đông Hưng đến ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa, nhưng nhiều nhất là ở ấp Đông Hưng 2. Tới đây, du khách sẽ “mỏi mắt” nhìn ngắm những cây thanh trà cao hàng 5 - 6m, tất nhiên sẽ “mỏi tay” chụp hình những chùm trái thanh trà vàng ươm lắc lẻo trên cành cây xanh sậm.
Thưởng ngoạn cảnh ngoại mục nầy xong, khách sẽ được gia chủ mời thưởng thức ly nước thanh trà “lấy thảo”. Chủ nhà hái mấy trái thanh trà, giải thích: Thanh trà có hai loại, chua và ngọt. Giá thanh trà ngọt tất nhiên cao hơn. Muốn ăn thanh trà, việc đầu tiên là đặt trái thanh trà trong lòng hai bàn tay, vò cho mềm đều. Chấm trái thanh trà với muối ớt, ăn sẽ nghe vị ngọt điểm xuyết chút chua, hòa chút mặn của muối và vị ớt cay nồng sẽ tạo cho ta cảm giác lâng lâng.
Nhưng uống ly nước thanh trà mới là điều tuyệt diệu. Cho thanh trà vào ly để sẵn mấy hạt muối hột, đường và chút nước lạnh, giằm đều tay rồi cho nước đá đập nhuyễn vào. Bấy giờ dùng muỗng quậy tan đá là ta đã có thức uống mát lạnh thoang thoảng thơm hương đất trời hoang dã.
Hoang dã vì, theo một tư liệu, thì thanh trà vốn là một loại cây được người xưa gọi là xoài hoang dại (Wild Mango), tên khoa học Bouea Oppositifolia (Roxb.) Meissn., tên cũ Mangifera Oppositifolia Roxb., cùng họ Anacardiaceae với cây xoài. Vì giống trái xoài thu nhỏ, có hột to, nên dân Đông Thành gọi thanh trà là xoài mút (muốn ăn phải mút) hay xoài hột (vì có hột to).
Theo Dược sĩ Phan Đức Bình (Tạp chí Thuốc & Sức khỏe, số 331, phát hành ngày 1-5-2007), thì thanh trà là cây mọc hoang trong rừng Phú Quốc (Kiên Giang), rừng núi vùng Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang) và Bình Minh. Tuy nhiên hiện nay đến hai địa phương Phú Quốc và Thất Sơn chẳng nghe ai đá động đến loài cây cho trái đẹp và ngon nầy. Chỉ duy nhất thanh trà có mặt tập trung tại Đông Thành mà thôi. Chính vì vậy mà người ta tôn xưng xã Đông Thành là “vương quốc thanh trà”.
Những chùm thanh trà treo bán dọc đường trông rất hấp dẫn. Người ở xa đến, mới nhìn cứ tưởng là quýt, khi nghe nói trái thanh trà thường ghé lại ăn thử và mua về dầm nước uống trong những ngày đầu mùa nắng nóng. Ảnh: Phương Kiều |
Thưởng thức thanh trà rồi, người phương xa sẽ luôn thòm thèm vì nơi mình cư ngụ chẳng có bán. Lẽ nữa, thanh trà chỉ cho trái trong vòng ba tháng, từ tháng Giêng đến cuối tháng Ba âm lịch mà thôi. Cho nên chẳng ai biết làm sao có thanh trà quanh năm để thưởng thức loại trái “có vị chua, ngọt, tính mát, có tác dụng bổ, giải khát, giải nhiệt, sinh tân dịch, ăn nhiều nhuận tràng. Quả còn xanh gọt bỏ vỏ, bỏ hột, nấu canh chua ăn cho mát trong mùa nắng nóng. Lá thanh trà cũng tương tự lá xoài, chứa nhiều hoạt chất có tính kháng sinh (mangiferin, quercetin, acid galic…) dùng nấu cao (1 ký lá khô bằm nhỏ thêm 2 lít nước, sắc còn nửa lít rồi cô thành 100ml cao sền sệt) để thoa trị phỏng, rôm sẩy, hăm lở” (theo dược sĩ Phan Đức Bình).
Chợt nghĩ, nếu biết “giữ”, thanh trà sẽ có mặt quanh năm, bằng cách: làm mứt (một loại “confiture”), như mứt tắc, mứt chanh. Để có mứt thanh trà, người ta gọt bỏ hột, cứ 1kg cơm thanh trà thì sên với 1kg đường, để nguội, cho vô keo. Người ta còn có thể chế biến thanh trà thành ô mai hay vài cách khác để làm gia tăng giá trị cho trái thanh trà quý hiếm của riêng khu vực Đông Thành nầy.
(Theo Thời báo kinh tế SG)