Xin chị cho biết, các chương trình thiếu nhi hiện nay của phòng có gì mới so với trước?
Từ tháng 8/2008, Phòng Thiếu nhi từ Ban Khoa giáo chuyển sang Ban Thanh thiếu niên VTV6. Hiện phòng có bốn chuyên mục dành cho hai đối tượng lứa tuổi khác nhau. Mẫu giáo (0 – 8 tuổi) có hai chương trình: Quả chuông nhỏ và Trò chuyện cùng bé. Hai chương trình Kiosk âm nhạc và sáng tạo học trò dành cho lứa tuổi từ 9 – 15.
Chương trình Sáng tạo học trò, được cải tiến từ fomat chương trình Góc sáng tạo nhưng có thêm phần chat room để tăng tính tương tác với khán giả. Kiosk âm nhạc cũng đổi mới. Ngoài giới thiệu từng nhóm, từng mầm non nghệ thuật sẽ có thêm sự tương tác, giao lưu với các nghệ sĩ. Riêng các chương trình mẫu giáo, chúng tôi cũng tăng tính vui chơi, ngộ nghĩnh hơn, thoải mái hơn, không gò ép, giáo điều mà cho các cháu cùng học mà chơi, chơi mà học đúng nghĩa.
Thị hiếu và nhu cầu của khán giả nhỏ ngày nay thay đổi như thế nào so với xưa?
Ngày xưa, cô nói gì các cháu chỉ biết dạ vâng. Bây giờ các cháu còn biết đứng dậy trình bày hẳn ý kiến của mình. Vì thế các chương trình thiếu nhi ngày nay phải thoải mái và hồn nhiên hơn. Các câu chuyện cũng phải kể một cách khách quan chứ không theo kiểu gò ép.
Trong các câu chuyện cổ tích, khi nói đến quạ thì thường ta nghĩ đến một con vật xấu, hư hỏng nhưng ngày nay vẫn có cháu bảo thích con quạ vì nó có màu đen, hay thích con khủng long vì nó to và khỏe mạnh. Ngày xưa, thỏ là phải thông minh, cáo là xấu xa, nhưng ngày nay, các cháu cũng nhìn nhận có con thỏ ngốc nghếch và cũng có những con cáo ngoan ngoãn, biết giúp đỡ bạn bè.
Trẻ con bây giờ dám nói, dám bộc bạch suy nghĩ thật của mình. Và trong chương trình chúng tôi cũng cố gắng để nguyên những chi tiết đó, không như ngày xưa là phải cắt bỏ đi.
Có người cho rằng, những người đi trước có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng sẽ làm các chương trình thiếu nhi bị “già hóa”? Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ, khi mình càng già thì khả năng nắm bắt tâm lý của các lứa tuổi càng tốt. Lúc đã làm mẹ, thậm chí làm bà thì tâm lý đối với trẻ thơ ngày càng sâu sắc..
Tại sao phòng vẫn chưa tổ chức được những chương trình hoành tráng, thu hút dư luận như Đồ Rê Mí?
Cả năm chi phí sản xuất một đầu mục chương trình của chúng tôi cũng chỉ bằng một chương trình ĐRM. Tôi cũng trăn trở tại sao họ làm được mà mình không làm được. Nhưng tôi tin rằng nếu chuyển ĐRM về Phòng thiếu nhi thì với năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm của mình, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ làm được.
Phòng đã có chiến lược gì để xây dựng đội ngũ MC chuyên nghiệp cho các chương trình thiếu nhi, khi mà những MC nổi trội như Linh Hương giờ cũng vắng bóng ?
MC phải thật sự yêu thích trẻ con, đi sâu vào tìm hiểu ngôn từ, tâm lý của trẻ con thì mới làm được. Ở các chương trình nước ngoài, MC cho thiếu nhi toàn người già nhưng dẫn rất duyên rất đằm.
Vì thế, bắt đầu từ chương trình Quả chuông nhỏ, chúng tôi cũng mời nghệ sĩ múa rối Tiến Dũng và Ngọc Tùng dẫn. Các em nhỏ đã rất yêu thích, gần gũi và thân thiết. Riêng các chương trình cho tuổi teen, chúng tôi xác định cần phải MC trẻ để có thể làm bạn với khán giả truyền hình một cách cởi mở, tình cảm hơn.
Xin cảm ơn đạo diễn Minh Nguyệt!
(Theo Thanh Hương // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |