Bộ phim có nhiều chi tiết liên quan đến tòa án và báo chí, hai ngành nghề đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế. Anh có đặt ra yêu cầu cụ thể nào với diễn viên trước khi nhập vai không?
Không chỉ tòa án, báo chí mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa của cuộc sống, như nghiện ngập, các diễn viên thủ vai đều phải tham gia thực tế để có vốn sống mà thể hiện cho chân thật. Tôi gợi cho anh chị em những trở ngại gì mà nhân vật đang phải đương đầu- cản ngại từ mối quan hệ bên ngoài cũng như những mâu thuẫn tự thân của chính nhân vật. Tôi vẫn tin là với cách “gợi” như vậy, diễn viên đã “sống” rất nhiều trong đời sống của nhân vật.
Anh đã hoàn toàn hài lòng với cách thể hiện nhân vật của các diễn viên? Diễn viên nào làm anh hài lòng và bất ngờ nhất?
Tôi nghĩ các diễn viên Quốc Thái, Trung Dũng, Lâm Bảo Như… đã sống trọn vẹn đời sống nhân vật trong phim chính là nhờ vào thời gian mà họ đã bỏ ra để cảm nhận cuộc sống qua những lần đi thực tế. Còn hài lòng hay không lại là một chuyện khác. Nhưng tôi thực lòng mang ơn các diễn viên đã đi hết đoạn đường dài với tôi.
Đạo diễn Tường Phương (ngoài cùng bên trái)
Một Quốc Thái vượt hẳn qua ngưỡng của mình, một Trung Dũng không hề lặp lại, một Lâm Bảo Như đã làm hết sức để thổi hồn vào nhân vật… Tôi muốn cảm ơn Yến Chi vì chị lột bỏ sự dịu dàng mà khán giả đã “khắc cốt” qua vai Nam Phương hoàng hậu để trở thành một con người khác với thần thái “sắc lạnh” mà tôi rất cần trong vai công tố viên Cẩm. Và còn Quang Thịnh, Võ Thành Tâm, Võ Hoàng Nhân, Hạnh Thúy, Thu Phương…
Mọi người đã tạo nên “vía”, định nên “hồn” cho những hình tượng nhân vật mà họ đảm đương. Thu Phương là một ví dụ. Là sinh viên mới vừa tốt nghiệp, cô ấy đã xin vào trại cai nghiện để nắm bắt tâm lý và hành vi của những người nghiện ngập. Việc làm ấy đã giúp cô vào vai một cô gái xì ke khá thuyết phục.
Người ta thường chờ đợi những cảnh hành động khi nhắc đến các bộ phim có đề tài tội phạm…
Câu chuyện pháp đình, ngược lại rất ít những pha hành động. Nhóm cascadeur của anh Quốc Thịnh đảm nhận nên tôi rất cố gắng, như Quang Thịnh đã bị cắt đứt khủyu tay trong cảnh lao mình xuống sông chạy trốn. Vết thương phải nửa tháng sau mới hồi phục.
Diễn viên Trung Dũng sau "Dưới cờ Đại nghĩa" (Cánh diều Vàng 2005) từng nói không bao giờ quên được sự kỹ tính của anh. Từ đó đến nay anh mới trở lại với "Câu chuyện pháp đình". Thời gian thực hiện phim bao lâu?
Không kể giai đoạn kịch bản, phim mất 6 tháng quay và chừng ấy thời gian cho hậu kỳ. Để cho ra đời một bộ phim bớt… dở, tôi vẫn phải cố gắng làm công việc như những người làm phim khác phải làm chứ không kỹ tính gì đâu…
21 tập phim thực hiện trong thời gian một năm là tương đối dài so với nhiều bộ phim truyền hình hiện nay. Phim truyền hình VN cũng có không ít những phim đề cập đến vấn đề hình sự, tội phạm như "Cảnh sát hình sự", "Đô la trắng"… Câu chuyện pháp đình tìm cách thể hiện khác như thế nào?
Sự khác nhau ở mỗi bộ phim chính là vấn đề mà bộ phim đó muốn hướng tới, chứ không phải ở đề tài. Chính từ đây mà nó tạo ra sự khác biệt. Và tôi muốn dành điều đó cho khán giả. Vì mỗi người sẽ có một quan điểm, một cách tiếp cận để có thể hiểu được nhau, khoan dung và chia sẻ với nhau. Không riêng tôi nghĩ vậy đâu, nhiều bạn bè tôi vẫn mong ước như tôi: được làm phim, với nghĩa đầy đủ nhất của cụm từ này.
(Theo Lưu Phương // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |