Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài THVN - Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn: “Đao to búa lớn ít khi là biểu hiện của sự xác đáng”

Báo giới trong thời gian gần đây đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phim truyền hình, mà trọng tâm là những tác phẩm lên sóng trong khung giờ vàng VTV1 và VTV3. Lời khen rất nhiều, lời phê bình cũng không hiếm. Để rộng đường dư luận cũng là giúp khán giả có được cái nhìn đa chiều thực sự khách quan, chúng tôi đã đề nghị ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc thường trực Đài THVN trao đổi về từng vấn đề hiện đang nổi cộm trong dư luận.
 

P.V: “Giờ Vàng dừng chiếu phim đồng nát”, “Xem phim giờ Vàng trên VTV1 – chán chẳng muốn xem”, “Phim Việt - chỉ phát cho đầy sóng”, “Phim Việt giờ Vàng – Đừng tạo thói quen chuyển kênh cho khán giả”… là những tiêu đề bài viết khá sốc được đăng tải trên một số tờ báo thời gian gần đây. Nội dung xoay quanh việc chê bai chất lượng phim TH đang phát sóng trên VTV gần đây như Có lẽ nào ta yêu nhau, Xin lỗi tình yêu, Những người độc thân vui vẻ, 13 nữ tù… Ông sẽ phản hồi ra sao, với tư cách “người trong cuộc”?

Ông Trần Đăng Tuấn: Việc khen chê đối với các chương trình truyền hình, trong đó có các phim truyền hình là điều bình thường và là điều cần thiết. Cũng có nhiều lời chê đã được nói và viết lên, nhiều lời chê là xác đáng và có ích với người làm phim. Nhưng chê theo kiểu như tựa đề các bài viết được trích ra ở trên thì đã là chuyện khác. Ai viết bài để đăng báo cũng muốn có những dòng tít hoặc dòng mở đầu sao cho ấn tượng. Nhưng đừng vì cái ý muốn đó mà quên rằng giá trị bài viết phê bình nghệ thuật nằm ở tính xác đáng, có lý có tình của ý kiến, nhận xét, lập luận, chứ không phải ở chỗ nói cho sướng miệng.

Dẫu không muốn tôi vẫn đặt ra câu hỏi: Ai chán xem phim giờ Vàng trên VTV1? Chắc khi rút tít như vậy, người viết đương nhiên cho rằng mình đang nói lên ý kiến của đông đảo người xem truyền hình, cho rằng đa số khán giả cũng chán chẳng muốn xem phim VN trên VTV1.

Vâng nhưng tác giả bài viết có thể cho tôi một con số nào đó chứng minh tỷ lệ người chán xem là bao nhiêu? Nếu không phải là con số của các cuộc thống kê chuyên nghiệp (Số đo Rating các chương trình truyền hình – các chỉ số này luôn có), thì cũng là cuộc khảo sát thống kê nho nhỏ của tác giả. Nếu không có thống kê như vậy, dựa trên cơ sở nào mà người viết bài báo đó có thể thay mặt cho số đông khán giả?

Cảnh trong phim Lập trình cho trái tim

Là một khán giả có thể khen hay chê vô tư, vì là ý kiến một cá nhân. Người viết bài phê bình một bộ phim không phải là một khán giả bình thường. Vì trong đa số trường hợp khi bài được đăng, đông đảo người đọc nghĩ rằng những điều được đăng tải là ý kiến của nhiều người, mà nhà báo là đại diện. Do vậy thiết nghĩ trong bài khen chê cũng cần rạch ròi, cái gì là ý kiến của cá nhân thôi, cái gì là phản ánh, ý kiến của đông đảo, hay đa số người khác.

Tôi không nói rằng các lời chê nặng nề là không nên, cần chê nặng thì chê nặng. Nhưng phải xác đáng và công bằng. Đao to búa lớn ít khi là biểu hiện của sự xác đáng.

P.V: Cũng từ báo chí, có nhiều ý kiến cho rằng sau thành công của Cô gái xấu xí, phim truyền hình Việt hóa từ format kịch bản nước ngoài đang có những bước thụt lùi về chất lượng. Có lẽ nào ta yêu nhau bị chê dữ dội. Còn Những người độc thân vui vẻ dừng phát sóng. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Ông Trần Đăng Tuấn: Thứ nhất thời gian qua trên VTV không chỉ có những phim nói trên, mà nhiều phim khác đã được phát sóng, như Bỗng dưng muốn khóc, Lập trình cho trái tim, Gió làng Kình, Ngõ lổ thủng…

Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc

Thứ hai, nếu chỉ nói về mấy phim được nêu trên, thì tôi cho rằng, Cô gái xấu xí là bộ phim nhiều tập đầu tiên được chuyển từ format nước ngoài. Các phim sau sẽ bị nhìn nhận khắt khe hơn. Có lẽ nào ta yêu nhau cũng do Công ty BHD (Công ty làm phim Cô gái xấu xí) thực hiện và tôi cho rằng họ muốn giới thiệu với khán giả một phong cách khác, một dòng phim khác. Nó có được nhiều người chấp nhận hay không là một chuyện nhưng so sánh với Cô gái xấu xí thì là sự so sánh những cái không đồng dạng.

 Những người độc thân vui vẻ là dạng phim hài nhiều tập, rất khó làm. Tôi không nghĩ phim này thành công như kỳ vọng, nhưng không phải là không có khán giả. Phim nhiều tập làm từ format nước ngoài là các phim đầu tiên của thời kỳ “xã hội hóa” việc sản xuất phim truyền hình. Tôi nghĩ từ nay về sau nó không phải là hướng đi khuyến khích, dù không loại trừ hoàn toàn.

P.V: Ông đã từng nhận định, rằng “khi không còn nỗi lo về số lượng sẽ càng có điều kiện giám sát chặt hơn về chất lượng phim và phải chú ý liên tục chuyện này”. Vậy khi “tình huống thiếu phim chỉ là cục bộ” thì nỗ lực “giám sát chặt hơn về chất lượng phim” được VTV thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đăng Tuấn: Những phim bây giờ đang phát và một thời gian nữa sẽ phát vẫn là những bộ phim được thực hiện trong bối cảnh thiếu phim cục bộ - như tôi nói ở trên. Những phim sẽ ra mắt từ cuối năm nay trở đi là những phim làm trong thời gian ít bị sức ép kịp phát sóng hơn.

 Ví dụ từ nay đến đầu năm 2010, VFC (đơn vị của VTV) không phải cung cấp phim phát sóng, vì lịch phát đã kín, nên sẽ dồn tâm sức hơn cho bộ phim rất đáng chú ý mà cũng rất khó làm là Bí thư Tỉnh ủy (Dự kiến 50 tập, dựa trên nguyên mẫu có thật là Bí thư Kim Ngọc).

Nhiều đơn vị tham gia làm phim thì sẽ diễn ra cuộc “đấu thầu” để chọn phim có chất lượng hơn. Như vậy, việc chọn lọc kịch bản, chọn lọc đối tác để đặt hàng cũng dễ hơn. Tuy nhiên, phim là sản phẩm nghệ thuật nên mọi cái cũng không thể đơn giản và chắc chắn được. Còn trong bối cảnh thiếu phim thì sự chọn lựa cũng ít hơn. Và có những lúc không được như ý muốn. Nhưng phim không hay thì cũng không có lý do bào chữa được.

P.V: “Lạm dụng quảng cáo giờ Vàng phim Việt” là vấn đề đang bị một số khán giả kêu ca. “Phim bị cắt vụn, bị băm nhỏ vì chèn quảng cáo” là ý kiến trên một số bài báo và diễn đàn. Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông có thể lý giải thực tế này?

Ông Trần Đăng Tuấn: Hiện nay, kinh phí để làm mỗi tập phim truyền hình ở VN chỉ bằng một phần nhỏ so với kinh phí làm một tập phim như vậy (và có bối cảnh tương tự) ở Trung Quốc. Nhưng nếu nhân với số lượng các tập phim thì tính cả năm vẫn là một số tiền lớn, rất lớn. Số tiền đó hiện lấy từ quảng cáo mà các phim khi chiếu đem lại.

Cảnh trong phim Gió làng Kình

Do vậy, khi có nhiều quảng cáo trong phim thì đúng là điều đáng mừng cho nhà làm phim, cho Đài – nơi phát sóng bộ phim. Nhưng khán giả khó chịu nếu số lượng quảng cáo nhiều khiến việc xem phim bị cắt đoạn liên tục. Theo quy định, một tập phim chỉ có thể được phát quảng cáo một số phút nhất định, vì vậy nếu số thời gian phát quảng cáo nhiều thì không chỉ làm người xem bực bội mà còn vi phạm.

Thực tế không phải phim nào cũng có nhiều quảng cáo. Chỉ khi dư luận về phim tốt, đông người xem (có thể có hàng chục tập đầu trôi qua), khi có nhiều khách hàng “đổ xô” vào đăng ký. Quảng cáo là nhu cầu thông tin kinh tế từ phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dung nhất là vào thời điểm hiện nay rất cần cho việc kích cầu sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, nếu tận dụng cơ hội (vốn không nhiều) thu quảng cáo, sẽ dễ dẫn đến gây tâm lý khó chịu cho người xem.

Một trong các nguyên nhân là chưa vận dụng được tốt cơ chế giá quảng cáo linh hoạt theo cung – cầu ở từng chương trình. Ví dụ nếu phim hay, có nhiều người muốn đưa quảng cáo vào thì giá quảng cáo phải tăng lên để thu được nhiều tiền nhưng không tăng số lượng quảng cáo.

Một hướng nữa là đấu thầu toàn bộ quảng cáo trong năm ở khung giờ phim với số lượng ấn định, thời gian tối đa. Theo tôi, được biết đơn vị kinh doanh quảng cáo của VTV đang nỗ lực điều chỉnh theo các hướng như trên.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn này.

(Theo Nga Huyền // VTV Đài truyền hình Việt Nam)

  • Tuấn Tú: Cần có thời gian để xóa đi hình ảnh một MC khi hát
  • "Tìm lại chính mình" và những hình ảnh không lên sóng
  • Chùm ảnh: BTV Diễm Quỳnh trở lại với "Trò chơi âm nhạc"
  • Lovebus “Khi truyền hình làm bà mối”
  • “Đối mặt” – Hấp dẫn từ những chuyện bên lề
  • Chuyện đằng sau “Kinh nghiệm đi đường”
  • Gặp lại bồ King Kong trong "Lập trình cho trái tim"
  • Cao Minh Đạt – Không sợ đóng vai phản diện
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng