Có nhiều kiểu thiết kế và ứng dụng tại vị trí dưới gầm cầu thang. Nhưng thích hợp nhất có lẽ là làm kho với cửa lá sách trang trí... Hoặc với hệ cầu thang xương cá thì chính nó đã là điểm nhấn, điểm xuyết cho không gian giao thông theo chiều đứng và không phải chứa đựng gì thêm ở dưới gầm thang này.
Trước đây nhiều thiết kế cố tận dụng tối đa diện tích nên làm nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang. Và, một khi buồng thang không được rộng, toilet ở đây thường chật chội, dễ bị “đụng đầu” và cũng thiếu sự thoáng khí. Từ đó, người ta thường sử dụng không gian này làm kho hay chứa máy phát điện...
Kiến trúc sư Đặng Phước Toàn cho rằng, đã có trường hợp đặt máy phát điện tại đây, khi máy chạy tiếng ồn dội lớn và gây “động” kết cấu như long gạch lát bậc thang, nứt tường... Nếu để cất máy phát điện thì hợp lý, khi cần chạy, nên kéo máy ra sân để tránh bị ảnh hưởng nhiều mặt.
Có một giai đoạn người ta hay làm hồ nước với hòn non bộ ngay dưới gầm cầu thang như một tiểu cảnh làm đẹp cho ngôi nhà. Lối bài trí này, giới trong ngành cho rằng không phù hợp vì một không gian sông nước, núi non thu nhỏ lại bị một tảng bêtông cầu thang “đè lên” sẽ làm nặng nề thêm “cảnh sắc”. Mà hòn non bộ phải được nằm ngoài trời. Tuy nhiên, vị trí này có thể trang trí và làm “mát” nội thất bằng hồ nước nuôi cá cảnh, cây cảnh nhưng đừng “đóng khung”, theo kiến trúc sư Trần Kế Hào thì có thể nối hồ dưới gầm thang thông suốt ra thềm sân nhà bằng gạch kính cường lực để có thể thấy như dòng nước chảy cùng cá kiểng bơi đùa. Khi đó không gian trang trí lạ hơn nhờ hệ thống đèn hắt từ hồ thêm sinh động.
Để tận thu không gian trong điều kiện nhà cửa chật hẹp, cách khác, thiết kế hẳn một tủ đựng đồ hay tủ sách... bằng gỗ ngay dưới gầm cầu thang. Và, chính dãy tủ đóng theo kiểu “may đo” này vừa hữu dụng vừa là điểm trang trí cho ngôi nhà.
Thông thường để đi lại thoải mái trên cầu thang thiết kế chọn kích thước mặt bậc thang 25 – 27cm và chiều cao mỗi bậc từ 16 – 18cm. Giới trong ngành khuyến cáo, nên theo kích thước đó để tính toán trước số bậc thang vì dân gian thường tính “sinh – lão – bệnh – tử”. Và, đã có nhiều trường hợp vì không dự liệu trước, khi nghe “thầy phán” phải thêm một hay hai bậc nữa “để vào cung sinh”; gia chủ bèn “ép” thêm bậc nữa tại các mâm chiếu nghỉ và chính những “bậc ép” đó thường gây vấp té. Vì khi đó độ cao bậc cuối quá thấp so với mặt sàn mâm chiếu nghỉ – làm nhịp bước bị hẫng.
Không đủ diện tích để làm hẳn nhà kho, thiết kế thường tận thu không gian trên các nhà vệ sinh làm kho. Nhưng yêu cầu khoảng thông của nhà vệ sinh đủ cao để không bị hầm bí, thiếu thoáng khí. Hoặc làm kho trên tầng áp mái, nhất là lấy phần mái chóp.
(Bài và ảnh: ca dao // SGTT Online)