Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm nét lạ trong kiến trúc đền chùa Chợ Lớn

Người Hoa nhóm “Ngũ Bang” di cư đến vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và hình thành nên những bang phái, những hội đồng hương, lập nên các hội quán làm nơi quần tụ của cộng đồng, những toà kiến trúc đồ sộ ấy được bảo quản, gìn giữ cẩn trọng từ hàng trăm năm qua.

Gian thờ chính ở hội quán Quỳnh Phủ

Qua thời gian, những kiến trúc cổ xưa dần trở thành những di sản vô giá, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng văn hoá của vùng đất Sài Gòn, tô đẹp thêm cho những hình thái kiến trúc cổ vùng Chợ Lớn, song hành cùng kiểu thức kiến trúc thuộc địa của người Pháp để làm nên một vùng di sản giá trị. Những hội quán, chùa chiền của người Hoa xưa trong vùng Chợ Lớn nay đều trở thành những di sản văn hoá kiến trúc cấp quốc gia, là một điểm đến thú vị để tận hưởng, khám phá những nét riêng, độc đáo, hấp dẫn trong độ xuân về.

Quần thể miếu, chùa, hội quán của người Hoa vùng Chợ Lớn được xây cất khá liền kề, tập trung thành một cụm những di tích phong phú và đa dạng về mặt kiến trúc và cũng là nơi lưu giữ những giá trị cổ xưa về hiện vật cũng như nét văn hoá dân gian của người Hoa vùng Chợ Lớn. Có thể thấy ở các quần thể miếu, chùa, hội quán của người Hoa vùng Chợ Lớn có lối kiến trúc chữ “Tam”, đặc biệt nhất là lối kiến trúc tiêu biểu thường gọi là “tứ hợp”, hay còn gọi “hình ấn” gồm dãy bốn nhà hợp thành chữ “khẩu” giữa có thiên tĩnh lấy ánh sáng cho phần chánh điện và để thông thoáng nhang khói.

Cặp liễn làm từ gỗ Dừa ở Đình Minh Hương Gia Thạnh

Ở các thể trang trí trong lối kiến trúc chùa của người Hoa, thường gặp những mảng trang trí đề tài khá phức tạp, với các con vật trong bộ tứ linh, long, lân, quy, phụng, tiên đồng – ngọc nữ, sân chùa xây la thành, luôn có cặp lân đá đứng oai vệ trấn giữ. Màu đỏ được xem là màu chủ đạo trong trang trí khối kiến trúc đền chùa ở mọi hình thức, với niềm tin màu đỏ thể hiện sức sống vươn lên, thể hiện niềm tin và sự may mắn vào cuộc sống. Đó là những nét khá tương đồng thường thấy trong chùa, miếu, hội quán của người Hoa vùng Chợ Lớn.

Vãn cảnh những di tích cổ xưa vùng Chợ Lớn những ngày xuân về, trong nhang khói nghi ngút, tấp nập người qua lại, dành một chút lắng đọng trong không gian đặc trưng của từng di tích, sẽ cảm nhận ra mỗi quần thể di tích đều có nét tương đồng nhưng trong sự tương đồng về lối xây dựng, vật liệu, nét trang trí, lại tìm ra những khoảng khác biệt rất đặc trưng.

Hội quán của người Hoa cũng là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật độc đáo

Điểm nhấn thú vị nhất trong số những di tích cổ thuộc khối kiến trúc đền chùa, phải kể đến chùa Bà Thiên Hậu, ngôi chùa ấn tượng với kiến trúc cổ, được nhóm người Hoa thuộc huyện Tuệ Thành, tỉnh Quảng Đông di cư sang Việt Nam xây dựng nên từ năm 1760 nên còn có tên gọi khác là hội quán Tuệ Thành. Nét cổ kính, trầm mặc thể hiện rõ từ trên chóp mái, bờ đao, với lối trang trí rất đặc trưng từ những khối “tiếu tượng” do các nghệ nhân đến từ vùng Phật Sơn, Quảng Đông làm tại các lò gốm Cây Mai nổi tiếng một thời vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhìn xa, khối “tiếu tượng” dùng để trang trí trông khá rối, nhưng nếu tiếp cận ở khoảng cách gần, đi sâu vào chi tiết, sẽ thấy ở đó những câu chuyện được miêu tả cực kỳ sống động, thể hiện đời sống sinh hoạt thường ngày của con người, hay những cảnh lấy từ trong tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Hoa. Bên kia đường, phía đối mặt chính diện của chùa có hồ nước làm nơi phóng sinh, cũng là nơi có tấm chiếu bích thể hiện chín con rồng uốn lượn trên nền gốm xanh ve, trắng ngà của dòng đồ Cây Mai xưa, một tấm chiếu bích giá trị, đẹp vẹn toàn, như một hiện vật quý giá của dòng gốm Cây Mai hiếm hoi còn sót lại cho đến hôm nay. Trong chùa, ngay gian chính điện, còn có bộ lư đồ sộ, mang niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886), đây có thể nói là một bảo vật của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn với kỹ thuật đúc đồng, cẩn tam khí tuyệt đẹp, đáng chiêm ngưỡng.

Trang trí tranh tường vẽ tích Tôn Ngộ Không ở Nhị Phủ miếu

Không rộn ràng, nhộn nhịp, đình Minh Hương Gia Thạnh quanh năm thâm trầm với không khí đậm đặc chất cổ xưa, những hàng liễn đối ngay ngắn, vàng với thời gian như tô điểm thêm cho không gian trong đình thêm lắng đọng. Và nếu có một chút tinh ý, khách vãn cảnh đình Minh Hương sẽ nhận ra một chi tiết thú vị trong số các liễn đối, đại tự phủ kín các cột đình. Có một cặp liễn được tạc từ hai thân cây dừa, chiều dài phủ từ chân cột chạm lên gần nóc mái. Trong số các liễn đối, đại tự ở các kiến trúc chùa Chợ Lớn, đây là một cặp liễn với chất liệu khác lạ, và tồn tại cùng với ngôi đình từ hơn trăm năm qua. Những mảng điêu khắc gỗ, những đôi hài, nón đội hành lễ của các vị tiền hiền ngày xưa, những bức tranh kiếng kể lại câu chuyện vượt biển của người Minh Hương khi sang Việt Nam, diện kiến Vua Gia Long để xin đất trú ngụ, những bộ lư gốm cổ Cây Mai… cũng là hiện vật đem lại nét chấm phá thú vị cho những ai muốn tìm hiểu vẻ độc đáo của đình Minh Hương Gia Thạnh.

Các lối trang trí đền chùa của người Hoa xưa vùng Chợ Lớn, cũng là điều gây ngạc nhiên với những người chính quốc. Kim Yên (Jin Yan), đến từ Bắc Kinh, đi tham quan các ngôi chùa cổ trong Chợ Lớn và khi đến Nhị Phủ miếu, nhìn bức vẽ trang trí thầy trò Đường Tăng đã không khỏi ngạc nhiên: “Tôi không ngờ rằng người Hoa ở Sài Gòn lại có cách trang trí đền chùa độc đáo đến vậy, họ lưu giữ những giá trị cổ xưa của ông bà mà thời tôi ở Trung Hoa bây giờ không còn thấy nữa”. Khi qua đến hội quán Quỳnh Phủ, hình ảnh con thuyền treo trên gian thờ chính – gợi lại câu chuyện vượt biển của những người Hoa theo thuyền đến Việt Nam cũng là một chi tiết trang trí lạ, độc đáo, được điêu khắc cầu kỳ, sắc sảo tái hiện lại câu chuyện vượt biển đầy gian nan đến vùng đất mới.

Địa chỉ những di tích kiến trúc cổ chùa miếu vùng Chợ Lớn:

Nhị Phủ miếu, 264 Hải Thượng Lãn Ông
Hội quán Ôn Lăng, 12 Lão Tử
Hội quán Hà Chương, 802 Nguyễn Trãi
Tam Sơn miếu, 116 Triệu Quang Phục
Hội quán Tuệ Thành, 710 Nguyễn Trãi
Hội quán Nghĩa An, 676 Nguyễn Trãi
Hội quán Quỳnh Phủ, 276 Trần Hưng Đạo
Đình Minh Hương Gia Thạnh, 380 Trần Hưng Đạo

(Bài và ảnh: Nguyễn Đình  // SGTT Online)

Bộ lư cẩn tam khí niên đại Quang Tự thứ 12 ở hội quán Tuệ ThànhDòng người tấp nập cúng bái ở hội quán Ôn Lăng

  • Nội thất xanh dương cho nhà mát lạnh
  • Trang trí đầu giường ấn tượng
  • Làm mới không gian bằng đồ cũ
  • Bún khô
  • Khám phá tòa dinh thự được điều khiển bằng iPhone
  • Góc nhỏ reo ca
  • Nhà người Việt ở Đức
  • Nét mới ở căn hộ
  • Câu chuyện bên thềm
  • Văn phòng tại gia
  • Tạo góc làm việc và học tập trong nhà ống
  • Nhà không có phòng khách
  • Làm việc tại gia, một vừa hai phải
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng