Đàn ông có ích kỷ khi chỉ thích nửa còn lại thua kém mình về mọi mặt? Không hẳn như vậy! Tuy nhiên có thể tin rằng, đa số đàn ông không vui thú gì khi trên đường quan lộ vợ thành công và thăng tiến hơn mình.
Vợ lên sếp đồng nghĩa là thời gian cho công việc tăng lên, quỹ thời gian dành cho gia đình ít đi. Chưa kể về hình thức, vợ xe con đưa đón trong khi chồng vẫn phải kè kè bên hông chiếc mũ bảo hiểm. Chết nỗi hình ảnh này đang ngày càng phổ biến. Nếu vợ không khéo thu xếp rất dễ dẫn tới tình trạng tan đàn xẻ nghé.
Anh Hiệp, biên tập viên một nhà xuất bản than thở:"Một năm có 365 ngày bà xã bận liên miên". Chỉ tội cho con trẻ, có khi gần cả tuần hai mẹ con không nói được gì với nhau, vì sáng con đi học khi mẹ còn đang ngủ. Tối mẹ xong việc về con đã lên giường. Những ngày lễ hay dịp cuối tuần, hầu như chỉ hai bố con Hiệp chơi với nhau, vì vợ bận. Cực nhất là những lần con ốm, Hiệp phải đưa con đi viện một mình. Nghĩ cảnh người khác con ốm được cả bố mẹ chăm sóc mà mình cứ lủi thủi một mình đưa con nhập viện rồi chủ yếu là bố chăm con mà không khỏi tủi phận, thương con”.
Vợ anh Hinh (Cầu Giấy, Hà Nội) khi còn đương chức trưởng phòng mà anh đã thấy vợ đi biền biệt. Gần đây vợ anh khoe sắp được lên chức anh Hinh lo ngay ngáy, làm "sếp nhỏ" mà vợ đã thế, không biết lúc làm "sếp lớn", vợ có còn gần gũi, chia sẻ với chồng con được nữa không? Mang tiếng với nội, ngoại, bạn bè có vợ làm sếp nhưng anh Hinh thấy, cuộc sống của mình xuống cấp chẳng khác gì "thường dân". Hồi xưa, vợ chưa lên xếp anh còn mạnh tay chi tiêu, nay vợ là "sếp lớn" thì chi tiêu trong cuộc sống phải tính toán chi li cho cẩn thận. Nếu trót chi tiêu quá đà vì sĩ diện không "tiện" bảo vợ đưa thêm tiền phải đi vay nóng bạn bè hay đồng nghiệp ối người bảo:" ối trời, vợ làm sếp mà thiếu tiền à?". Cứ như làm chồng sếp là không bao giờ lo hết tiền.
Chồng phải chuẩn bị tâm lý nếu vợ sắp lên chức là lẽ đương nhiên. Thực tế, người chồng đúng là phải "đầu tư" thời gian nhiều hơn cho việc thu xếp chuyện gia đình, nhiều khi phải hoàn thành nhiệm vụ ấy một mình. Bởi, vợ là sếp đồng nghĩa với thời gian dành cho công việc nhiều lên và thời gian cho gia đình ít đi. Chưa kể những chuyến công tác dài dằng dặc, họp hành ngày càng nhiều, tiếp khách liên miên... sẽ ngốn của vợ rất nhiều thời gian nữa.
Anh Dũng là một thí dụ, dù không muốn anh vẫn phải lo nghĩ hoặc thay đổi tư duy khi "bà" là thủ trưởng. Bình thường thì không sao, bây giờ gió đã đổi chiều lỡ nói nặng tiếng dễ khiến "bà" ấy tự ái, vợ chồng to tiếng... Và điều đó đã trở thành sự thật đau lòng. Chỉ được tháng đầu là vợ về đúng giờ, rồi dần dần mỗi buổi chiều khoảnh khắc chờ vợ kéo dài hơn mà theo chồng thì: "Vợ đang cắt xén thời gian gần gũi nhau từng ngày". Anh nghĩ vậy và chỉ dám nói giọng đùa đùa, với hy vọng vợ hiểu ý để sắp xếp lại công việc về sớm hơn một chút. Vậy mà chẳng cải thiện được gì, hết giờ làm việc chồng ba chân bốn cẳng về lo chợ búa, cơm nước dọn dẹp như "osin" thứ thiệt.
Mặc dầu vậy, thấy vợ tối nào về nhà cũng trong dáng vẻ mệt mỏi, ăn uống uể oải, chồng tự nhủ sẽ tiếp tục hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của vợ cho đến khi nào vợ "rủ lòng" mà nghĩ lại. Nhưng vợ ngày càng có nhiều thay đổi, khiến cho chồng chẳng thích tí nào. Vợ dễ cáu và gắt gỏng nhiều hơn, dù chồng đã cố gắng hết trách nhiệm. Chồng quan hệ rộng nguy cơ ngoại tình sẽ cao, nhưng vấn đề này xảy ra không chỉ riêng với đàn ông. Không ít trường hợp, bà xã sau khi lên "sếp lớn" có quyền, có tiền, có quan hệ ở "đẳng cấp" cao hơn với đa dạng "đối tác" mà về hình thức lẫn phong cách hơn hẳn "đồ nhà", dần dần thấy chán ngán, thất vọng dẫn đến coi thường chồng hoặc nghĩ chỉ cần đưa tiền cho chồng là làm xong bổn phận nên chuyện vợ chồng sứt mẻ là điều khó tránh khỏi.
Rơi vào hoàn cảnh ấy, đa số đàn ông bức xúc:"Các con tôi cần một người mẹ, tôi cần một người vợ chứ không cần một bà giám đốc".Nếp cũ, người đàn ông ước mơ sau giờ làm việc trở về, gia đình sẽ là bến đỗ bình yên với người vợ hiền và những đứa con xinh xắn, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp. Hiện còn tồn tại những suy nghĩ, sự thành đạt của người vợ chưa chắc đã làm nên hạnh phúc gia đình. Lúc trước, khi còn làm nhân viên thì vợ thường trổ tài nấu nướng cho gia đình, nhưng từ ngày vợ làm sếp hình như quên hết cách nấu các món ngon. Vợ ít ăn cơm nhà, vì thường đi ra ngoài tiếp đối tác nên tửu lượng của vợ khá lên trông thấy. Nhiều bữa tiếp bạn bè, chồng uống hết nổi thì đã có vợ uống đỡ...
Tóm lại một đằng phấn khởi vì xã hội càng văn minh càng có điều kiện cho phụ nữ vươn lên, nhưng mặt khác lại buồn vì nảy sinh khá nhiều rắc rối từ những nếp suy nghĩ cũ hay cách sống xưa. Vì vậy, khi làm sếp các "bà" đừng tự đề cao, tự khen mình chỉ làm tổn thương chồng mà thôi. Đàn ông ai chẳng muốn hơn vợ. Bạn hãy khéo léo an ủi chồng bằng cách luôn khẳng định: "chỉ vì em may mắn..."
Khi chị Mỹ Liên được đề bạt chức giám đốc một chi nhánh công ty du lịch tại Hà Nội, buổi tối khi ăn cơm chị nhẹ nhàng với chồng con: Em được đề bạt lên giám đốc, đây cũng là cái may mắn của em. Thực ra trong công ty còn có nhiều người tài giỏi, chứ em cũng chẳng có gì nổi bật. Số em lại "hên", thường được chồng chỉ bảo nên mọi người cơ quan đều tín nhiệm. Nghe vợ nói thế, anh chồng cũng hả hê: "Em không giỏi giang sao được làm giám đốc". Tâm lý người chồng lúc này vừa mừng vừa cảm thấy tự hào vì vợ mình tài giỏi và thầm nghĩ "có sự cố gắng của chồng" và cảm thấy dễ chịu hơn.
Theo Tạp chí Đàn ông