“Bệnh” mua sắm của phụ nữ. (Ảnh: Internet) |
Anh Kh. ở Giảng Võ, Hà Nội đã có lúc muốn nổi khùng khi vợ anh quen kiểu tiêu tiền “không phanh”. Sau nhiều đêm trăn trở anh đã quyết tâm lập "mẹo" để có thể "phanh" thói xấu này của vợ.
Thói quen khó kiểm soát
Chưa hết tháng, vợ anh Kh. đã tỉ tê đòi anh “cấp” thêm tiền cho gia đình vì khoản lương anh đưa đầu tháng đã “cạn sạch”. Anh giật mình vì vừa “nộp” cho vợ không dưới 7 triệu đồng. Gia đình cũng chẳng có công việc gì lớn để phải “đốt” tiền nhanh đến thế. Nhưng khi vợ mở tủ nũng nịu khoe bộ quần áo này, chiếc váy kia đẹp thì anh đã hiểu tại sao (!).
Thoạt đầu, anh nghĩ, ừ thì mình kiếm ra tiền cho vợ làm đẹp cũng được. Nhưng các khoản làm đẹp của chị cứ tỉ lệ thuận với mức lương anh kiếm được. Có tháng “thả” vào quỹ cho vợ ngót ngét 10 triệu đồng, vậy mà đùng một cái anh có việc cần đến tiền thì vợ chỉ cười trừ: “Chiếc áo khoác Marc Eckozip Track Jaket anh đang mặc em mua với giá hai triệu rưỡi rồi đấy”...
Không ít lần anh góp ý với chị về cách tiêu tiền sao cho hợp lý. Chị nín lặng nghe nhưng vài buổi sau lại đâu vào đó. Chỉ 2 tuần mải lao vào công việc, khi anh nhìn tới giá đựng giầy trong nhà đã chật cứng những đôi mới thương hiệu Reebok classic, Converse… Đến nỗi đôi giầy anh đi làm về đành phải lăn lóc nằm dưới góc nhà. Thấy bừa bộn, chị lại chạy đi tìm… mua thêm giá đựng.
“Chỉ hai vợ chồng mà nhà có tới 3 giá đựng với 19 đôi giầy, dép. Có đôi chỉ đi một lần rồi bỏ đó, không biết vợ tôi mua để làm gì?”, anh Kh. than thở.
Giống như vợ anh Kh., chị H. (Cầu Giấy, Hà Nội) vốn được coi là một người phóng khoáng trong tiêu tiền. Đi đâu, thấy cái gì hay hay là chị sẵn sàng mua. Việc tiêu tiền ngoài kế hoạch của chị diễn ra hàng tháng, thậm chí hàng tuần.
“Mình không phải mặc lại một bộ quần áo trong ít nhất mười ngày. Mua không mặc hết có lúc cũng tiếc nhưng mỗi lần đi cùng bạn bè, mọi người mua mà mình không mua thấy ngứa ngáy chân tay lắm”, chị H. vừa cười vừa mở tủ “khoe” những bộ mình mới “sưu tầm” được.
Không chỉ chị H., vợ anh Kh. mà nhiều phụ nữ đã biến sở thích mua sắm của mình thành thói quen. Số đông chị em cho biết, những khoản họ chi tiêu ngoài kế hoạch là chuyện thường. Họ cũng thừa nhận nhiều khi không kiểm soát được ngân sách vì những khoản chi tiêu đó.
“Mẹo” đối phó của các ông chồng
Những ông chồng có phản ứng khác nhau trước việc tiêu tiền “không phanh” của vợ.
Một số người cằn nhằn, thậm chí không “nộp” tiền cho vợ nữa. Ngoài ra, phần đông các ông chồng đều tỏ ra… “tiếc” nhưng vẫn chấp nhận.
Đáng nói hơn, có nhiều người đã sáng tạo cho mình những “mẹo” để hạn chế chi tiêu của vợ.
Anh S. ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội dạy cô con gái 3 tuổi những câu nói “điểm huyệt” khiến mẹ nó phải ngỡ ngàng. Khi chị đang trò chuyện cùng ông bà ngoại, con gái chị lon ton chạy đến ôm hôn mẹ và khoe những “phát hiện” của mình: “Mẹ ơi, con biết tại sao nhà mình nghèo rồi. Tại vì mẹ mua nhiều quần áo và giầy quá”. Sợ lần sau con sẽ lại nói câu đó trước mặt khách nên chị đã tự dặn mình phải hạn chế mua sắm.
Bác C. ở Từ Liêm, Hà Nội từng là một người chồng đã “thuần” được vợ “tiêu hoang”. Bác điềm đạm chia sẻ: “Bà nhà tôi rất nóng tính. Góp ý với vợ, tôi phải nhẹ nhàng và bao giờ cũng bắt đầu bằng một lời khen rồi mới đưa ra những mục tiêu chung của gia đình như gom tiền để năm sau phải mua được xe ga, 7 năm nữa mua được nhà ở mặt phố… Dần dần, bà đã hạn chế những khoản chi không cần thiết…”.
Cũng có ông chồng sẵn sàng chê vợ một cách nhẹ nhàng khi nàng vận bộ quần áo mới: “Mặc bộ này em đứng trên sân khấu thì đẹp chứ đi làm anh thấy không hợp lắm”, “cứ thay đổi quần áo theo mốt như vậy anh chẳng tìm ra nét riêng của em”…
Còn anh Kh. lại áp dụng chiêu thức khác. Sau nhiều lần góp ý mà vợ vẫn không thay đổi được cách tiêu tiền quá phóng khoáng, anh để chị chi tiêu theo ý mình. Chẳng những thế, anh còn chủ động đưa chị đi mua sắm. Tuy nhiên, mỗi khi chị đụng vào món hàng đắt tiền anh lại khéo léo buông lời nhận xét khiến chị không còn “hứng” mua.
Có lần thấy chiếc váy liền hãng Bebe kiểu dáng mới rất đẹp với giá hơn 2 triệu đồng, chị định mua dù váy ở nhà còn chưa mặc hết. Anh liền mỉm cười, ghé sát tai chị thủ thỉ: “Chiếc váy đẹp đấy nhưng 5 năm nữa em mặc thì hợp tuổi hơn”. Chỉ vậy thôi, chị thậm chí còn không thiết tha đến mặc thử.
Chia sẻ với các đấng mày râu, ông Nguyễn Bá Đạt, chuyên gia tâm lý trẻ em và gia đình, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người chồng nên đi mua sắm cùng vợ. Khi đó, người vợ thường tập trung nghĩ đến sự có mặt của chồng hơn, nhờ vậy sẽ góp phần hạn chế được ham muốn mua sắm của các chị./.