Mỗi một nhược điểm được kèm theo từ “hơi” để tô đậm thêm thế yếu của “nạn nhân”. Cứ cái đà nhìn nhau kiểu “siêu âm 3 chiều” thì chẳng có mỹ nhan nào hoàn hảo cả. Chị em từ trước tới nay vẫn tự tin trong việc “nhắc nhở đàn ông” về nhược điểm của những phụ nữ khác tuy nhiên đàn ông gật gù thế chứ họ vẫn có kiểu nhìn của họ.
Khi người đàn ông gặp một người đàn bà đẹp, anh ta thấy đẹp nhưng không thể chứng minh “vì sao cô ta đẹp”, cũng như khi gặp một người xấu, chẳng có bằng chứng cụ thể nào. Ngoài đời có nhiều người tính nét ra thì đẹp nhưng vẫn bị cái gì đó “phá tướng” khiến cho người khác giới không thấy bị thu hút. Lần này thì phái mày râu “chộp” nhanh hơn các “bà Tám”
Giọng nói không kiểm soát
Nhiều người sống đến gần hết tuổi trung niên mới phát hiện ra “giọng nói quan trọng hơn người ta tưởng. Có lúc còn quan trọng hơn cả ngoại hình”. Có biết bao phụ nữ đẹp dáng đẹp da nhưng không đắt người hâm mộ vì giọng có vấn đề. Mặc dù ngôn ngữ rất ổn vẫn không thuyết phục vì được truyền qua một tông giọng cao vói, khàn khàn, đanh đanh, hay lí nhí chua chua.
Thời đại của điện thoại, chat voice càng cộng điểm cho những bóng hồng có giọng trong và nhẹ. Sau những cuộc cãi vã, lời xin lỗi với tông giọng ồm ồm hay the thé đương nhiên không thể nào hiệu quả bằng một câu chào giọng êm. Đã từng có cuộc điều tra tâm lý đàn ông khi nghe điện thoại gọi đến. Với 3 từ “anh đấy à?” họ có hàng chục cảm giác khác nhau. Nếu “anh đấy à?” với giọng đanh vang người nghe cảm thấy bị đe doạ tin xấu. Nếu “anh đấy à?” với giọng lí nhí chua chua, anh ta linh cảm sắp bị làm phiền. Còn nếu tông giọng thanh nhẹ thì anh ta cảm thấy dễ chịu an toàn… Ngoài ra, phái mạnh còn đánh giá cao những lời nói thầm rõ lời, hạ tông giọng nhưng nghe không bị rin rít và khàn tối.
“Bả” màu trang điểm
Khi chị em trang điểm cho đẹp phái nam không săm soi gì nhưng khi họ nhìn thấy những mảng màu lộ liễu thì họ có biểu hiện “dị ứng” (cho dù là ngầm). Một chuyên gia trang điểm từng nói: “Nếu để người khác giới nhận ra màu xanh lá cây trên mắt hay màu tím trên môi bạn, tức là gọi tên chính xác từng màu thì có nghĩa việc làm đẹp của bạn bị thất bại, mặc dù bạn vốn dĩ đẹp.
Hình xăm, khuyên rốn
Một mẫu hình xăm độc đáo hay một lỗ khuyên rốn khiến cho bạn trở nên cá tính và hãnh diện hồi tuổi teen nhưng không còn hiệu ứng như vậy lúc bạn ngoài 30. Đối tác nam sẽ có thái độ cảnh giác khi bất chợt phát hiện ra một con rồng nhỏ nằm trên lưng bạn. Hãy hình dung một ngày nào đó trở thành quý bà nhung lụa, những đối tác của chồng bạn sẽ bình luận gì khi trên cánh mũi bạn vẫn còn những lỗ khuyên thời thanh xuân.
“Dzô, dzô”, bình đẳng như đàn ông
Chẳng hiểu về chuyện rượu bia thì đàn ông châu Âu có khác ta không nhưng rõ ràng đàn ông Việt chẳng bao igờ thích phụ nữ tửu lượng cao. Trong bàn tiệc, cánh mày râu hào hứng giơ cao vại bia, kích động chị em phá rào nhưng nếu chúng ta cứ dzô, dzô vang dội như họ thì còn lâu chúng ta mới giữ được danh hiệu “Người đẹp”. Nhất là sau một lần bị đàn ông bắt gặp tình trạng say xỉn, chẳng có hy vọng gì để thuyết phục họ công nhận chúng ta quyến rũ.
Nước mắt nước mũi
Nói giọng sách vỡ thì phái mày râu vẫn tỏ ra quý trọng nước mắt người đẹp. Một giọt lệ thôi khiến các hiệp sĩ phải mềm lòng. Trên thực tế, phụ nữ yếu đuối dịu dàng có độ hấp dẫn riêng nhưng hình ảnh họ khóc khong hề duy mỹ. Cánh đàn ông vốn ích kỷ, họ chỉ công nhận chúng ta đẹp khi nhan sắc đó đem lại cho họ cảm giác thư thái, còn nếu vẻ đẹp đưa họ vào vòng trách nhiệm và day dứt thì là con số 0. Khác với đàn bà, đàn ông khi mủi lòng họ không rung động.
(Theo Người đẹp // Người lao động online)