Có quán rượu bày biện khung cảnh thân tình như ở nhà: “Khách của tôi chủ yếu là những ông già độc thân”-Yuki Saito, chủ cửa hàng Tokiwa Shyokudo cho biết.
Đểm nhấn và là nơi đông khách nhất là hàng quần áo, tất cả đều rực màu đỏ. “15 năm nay, khách hàng thân thiết của chúng tôi luôn yêu cầu màu đỏ” - Hideji Kudo - cửa hàng Maruji tâm sự.
Các thầy lang phương Đông cho rằng quần áo đỏ có tác dụng sưởi ấm, giả thiết này được người già Nhật tán tụng. Truyền thống Nhật cũng ghi nhận, tặng quần áo đỏ cho người từ 60 tuổi trở lên có thể xua điều xui xẻo.
Tất cả dãy hàng ở đây dệt nên bức tranh hàng hoá sinh động: Lụa, quần dài, áo cánh, mũ nồi… phủ màu sáng rực. Những cửa hàng như Maruji hưởng lợi lớn từ đất nước có 20% trong 127 triệu dân độ tuổi trên 65, trong đó 6,8 triệu người sinh ra ở thời bùng nổ dân số 1947-1949.
Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. “Những người 80 tuổi hẳn không đòi hỏi nhiều nhưng lứa 60 muốn trang phục phải trẻ, thiết kế cũng khó khăn hơn”- Kudo giải thích. Khu này hút cả lượng lớn người mới về hưu còn tràn đầy sức lực, muốn tận hưởng khoảng thời gian tự do vừa có.
Sugamo còn có bức tượng ở chùa Kogan - ji, Togenuki - vị thần biểu tượng chữa lành đau đớn - đức tin của đa số người già đất nước hoa anh đào. “Tôi bị đau thắt lưng, hi vọng bệnh thuyên giảm khi tắm cho tượng Togenuki”- lời Shizuko cụ già đến từ Yokohama (Tokyo).
Sugamo nổi tiếng khoảng 30 năm trở lại đây khi một tờ báo coi khu phố này là “Harajuku của các bà” (Harajuku là khu nổi tiếng nhất Tokyo về các cửa hàng thời trang thập niên 70.
Sau này Harajuku thành phong cách thời trang được yêu thích của giới trẻ Nhật, lan tới các nước châu Á). Nay một lượng khách hàng là cô cậu học sinh trung học bắt đầu tăng vì người ta đồn Sugamo là nơi nuôi dưỡng mầm tình yêu rất tốt. Khách tới mua hàng đông nhất là vào các ngày tư: 4, 14 và 24 hàng tháng.
(Theo báo Tiền phong)