Tất bật với các ki-ốt hàng trong chợ, cửa hàng buôn bán mà những người phụ nữ này không có thời gian để đến những tiệm chuyên làm nail nên sự lựa chọn tốt nhất vẫn là làm đẹp tại chỗ. Có cầu mới có cung, vì thế ở các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Hàng Bè... bắt đầu xuất hiện nghề làm nail dạo.
Sành điệu với vài chục ngàn đồng
Làm móng dạo, nếu bị chảy máu rất dễ bị nhiễm trùng, thậm chí lây nhiễm HIV. Ảnh: Đời sống&Pháp luật |
Nail (cắt, tỉa, sơn, vẽ, trang điểm móng tay, chân) dạo chủ yếu trưởng thành từ những lò cắt tóc, gội đầu hoặc chán cảnh gò bó phải phục vụ trong Spa, muốn bứt ra đứng vững trên đôi chân của mình. Phần lớn họ hoạt động riêng lẻ, có địa phận làm ăn riêng, phân chia địa phận theo quy ước ngầm. Để dễ làm ăn và nhằm đảm bảo độ tin cậy, nail dạo thường núp dưới danh nghĩa của một trung tâm hay Spa nổi tiếng nào đó. Công việc của họ có thể diễn ra ở trong nhà, ngoài chợ, công viên, thậm chí là trên vỉa hè hay quán nước.
Dụng cụ hành nghề của nail dạo vô cùng đơn giản: Phương tiện đi lại (xe máy, thậm chí là xe đạp) có gắn tấm biển nhỏ màu trắng, trên dán dòng chữ làm nail; chiếc giỏ tuyềnh toàng bên trong là cái can nhựa trắng đựng nước, chiếc bát nhựa, hai chiếc ghế con. Ngoài ra còn lỉnh kỉnh đủ thứ: Bộ cắt, gọt, giũa móng, nước tẩy móng, bông gạc, sơn móng khoảng chục màu, bột đắp móng, khăn bông lau chân, tay, vài quả chanh, con dao nho. Giá làm nail dạo thường mềm hơn nhiều so với giá trong tiệm, hợp với túi tiền của đại đa số thượng đế.
Đối với dịch vụ cắt, tỉa và vẽ một bộ móng tay hoặc chân tại các tiệm sang trọng có giá từ 150 - 200 nghìn đồng, trong khi đó làm móng dạo có mức giá chỉ khoảng 25 - 30 nghìn đồng. Người làm nail dạo mới vào nghề, thậm chí còn sẵn sàng phá giá chỉ với 15 nghìn đồng.
Đó là số tiền chi trả cho dịch vụ cắt, tỉa và vẽ móng đơn giản. Ngoài ra, khách hàng phải trả thêm 1 đến 5 nghìn đồng cho mỗi hạt đá lấp lánh gắn vào móng tay. Giá cả phụ thuộc vào việc khách muốn đính hạt đá to hay nhỏ. Nếu có nhu cầu đắp móng bột (gắn móng giả) thượng khách sẽ phải trả thêm từ 45 đến 60 nghìn đồng. Thời gian làm móng chỉ trong khoảng 20 đến 30 phút tùy thuộc vào sự tỷ mỷ hay sự cầu kỳ của bộ móng thượng khách muốn có được.
Nguy cơ HIV, nhiễm trùng…
Đằng sau những bộ móng tay xinh xắn, tròn đều, không mấy ai biết rằng làm nail dạo mang đến những ẩn họa khôn lường. Người thợ làm nail chuyên nghiệp phải trải qua những lớp huấn luyện chuyên môn về kỹ thuật làm và chăm sóc vệ sinh móng hết sức khắt khe. Nhưng trên thực tế, những người làm nail dạo hầu hết không được đào tạo bài bản, dụng cụ thô sơ không đảm bảo vệ sinh.
Chị Nguyễn Thị Lan, bán hàng tại chợ Đồng Xuân kể lại: "Đầu tiên họ ngâm tay mình trong nước khoảng 5 phút rồi dùng lát chanh di đi di lại vào từng móng nói là cho mềm, sau đó bôi vào móng chất trắng đục gọi là chất tẩy.
Đồ nghề của nail dạo. Ảnh: Đời sống&Pháp luật |
Tiếp theo, họ dùng một bộ cắt nhỏ lần lượt cắt bỏ lớp da chết xung quanh móng rồi chỉnh giũa lại hình dáng móng cho phù hợp với đôi tay. Mình đau chết điếng khi bộ cắt, gọt len sâu vào trong chân móng, làm tay mình tóe cả máu. Sau vài hôm vết thương nhiễm trùng, phải bôi thuốc và kiêng động vào nước gần 1 tuần".
Chị Đào Phương Thu, nhân viên khách sạn N.H (Hàng Hành - Hoàn Kiếm - Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự: Khi làm móng chị cũng bị nail dạo cắt móng lấy khóe sâu khiến chân chị bị nhiễm trùng, sưng tấy không đi lại được, chị phải đi bệnh viện khám, mua thuốc giảm đau để uống. Sơn nhũ đẹp chẳng thấy đâu, sau vài hôm móng tay bị ố vàng, trốc từng mảng vụn, móng bị mềm và dễ gãy. "Đúng là tiền mất tật mang". Chị Thu than vãn.
Mỗi ngày, nail dạo làm đẹp cho vài chục thượng khách. Những bộ cắt, dao cạo, bàn xát, mài cục chai, cắt da thừa được sử dụng chung cho những khách làm móng. Vấn đề đảm bảo vệ sinh, công đoạn khử trùng hầu như không có. Bất kể lúc nào khách cũng phải đối mặt với nguy cơ những vật dụng này cắt vào da làm chảy máu và ngay lập tức đưa vi khuẩn vào cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, chuyên gia về da liễu cho biết: "Làm móng dạo, nếu bị chảy máu rất dễ bị nhiễm trùng, thậm chí lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, chưa kể đến việc sử dụng thuốc sơn móng, móng giả, kém chất lượng, chứa nhiều chất độc hại... có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Ngoài ra, mỗi lần sơn móng phải sử dụng một số hóa chất để tẩy bỏ lớp sơn cũ trước khi sơn lớp mới, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch, tổn thương gan và đường tiêu hóa, tổn thương da...”.
“Khi sơn hoặc tẩy móng, các chị em nên làm ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín, địa điểm rộng rãi, thoáng gió để hạn chế việc hít phải các hợp chất hữu cơ bay hơi. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại. Và tốt nhất là không nên dùng chung dụng cụ làm móng". Bác sỹ Tuyết đưa ra lời khuyên.
(Theo Đời sống & pháp luật)