Trong mùa xuân, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người cơ thể suy yếu, mắc bệnh mạn tính, khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường không đầy đủ, rất dễ bị mắc một số chứng bệnh ngoại cảm, cũng như nội thương.
Bạch biển đậu |
Mùa xuân là giai đoạn thời tiết biến đổi đột ngột và có nhiều gió. Trong những tháng đầu xuân, nhiệt độ không khí nói chung vẫn còn thấp, trời vẫn lạnh, lại thêm mưa phùn, khiến cho tầng khí quyển gần mặt đất chứa nhiều hơi nước, độ ẩm của không khí rất cao, có khi lên tới 90-95%.
Cùng với sự gia tăng của nhiệt độ môi trường bên ngoài, da và lỗ chân lông cũng giãn nở dần, lưu lượng máu trong huyết quản ngoại vi tăng lên, khiến lượng máu cung cấp lên não và cơ quan nội tạng giảm xuống.
Mặt khác, bước vào mùa xuân, chuyển hóa cơ bản trong cơ thể cũng tăng lên dần, cần có nhiều huyết dịch và ô-xy hơn, khiến lượng máu đưa lên não càng bị giảm thiểu, độ hưng phấn thần kinh vỏ não giảm xuống rõ rệt.
Suốt mùa đông, bộ não của chúng ta đã quen làm việc trong điều kiện huyết dịch dồi dào, sang xuân chưa thể kịp thích ứng ngay với tình trạng huyết dịch giảm thiểu, nên thường hay dẫn tới tình trạng mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ ... mà người xưa gọi là "xuân khốn”.
Nói theo cách ngày nay, "xuân khốn” là giai đoạn quá độ, khi cơ thể con người phải điều chỉnh lại "đồng hồ sinh học”, để thích nghi dần với những biến đổi của môi trường bên ngoài.
Trong giai đoạn này, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người cơ thể suy yếu, mắc bệnh mạn tính, khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường không đầy đủ, rất dễ bị mắc một số chứng bệnh ngoại cảm, cũng như nội thương. Mùa xuân còn là thời kỳ hay xuất hiện những chứng bệnh cấp tính, có tính nhiệt, kèm theo phát sốt... mà người xưa gọi là "xuân ôn”.
Còn theo quan điểm hiện đại, lạnh và ẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cho một số bệnh đông - xuân có điều kiện thuận lợi phát tác.
Lạnh và ẩm chính là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như cảm lạnh, viêm phổi, viêm mũi - họng, viêm phế quản... Số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các bệnh dịch lây theo đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị, viêm màng não... đều phát triển mạnh trong các tháng mùa xuân.
Mặt khác, mùa xuân khí hậu thường biến đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường, cơ thể không thích ứng kịp, nên những bệnh mạn tính cũ, như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành tim, thiểu năng tuần hoàn não, hen suyễn, đau dạ dày... dễ tái phát, hoặc trầm trọng hơn.
Để phòng trị, cần tăng cường vệ sinh môi trường, tích cực rèn luyện thân thể để nâng cao sức chống bệnh; đồng thời có thể sử dụng một số bài thuốc sau đây:
Bồi dưỡng, tăng cường sức đề kháng
Để tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh cũ tái phát: Trước hết, cần chú ý ngủ đủ thời gian, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi, vì ngủ đủ có tác dụng giải trừ "xuân khốn” rất tốt. Thứ hai, cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, còn có thể sử dụng thêm một số món ăn - bài thuốc, có tác dụng tăng cường sức khỏe và sức đề kháng dưới đây:
- Bài thuốc 1: Nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g, chân giò lợn 100g. Tất cả đem chế biến thành món hầm, ăn chân giò và uống nước canh.
Tác dụng: Thường xuyên sử dụng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng. Còn có tác dụng nhất định trong điều trị bệnh thần kinh suy nhược, phòng ngừa các bệnh tim mạch và hen suyễn tái phát.
- Bài thuốc 2: Nấm đông cô 50g, kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, thịt lợn nạc 100g. Nấu thành món canh, ăn trong ngày, liên tục 10 ngày.
Tác dụng: Có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ gan thận và giải trừ tình trạng "xuân khốn”.
- Bài thuốc 3: Kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, trứng gà tươi 2 quả. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho trứng vào nấu tiếp 15 phút là được. Ăn trứng, uống nước thuốc.
Tác dụng: Tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ gan thận và giải trừ tình trạng "xuân khốn”.
Phòng trị bệnh ngoại cảm, nhiễm trùng
- Bài thuốc 1: Tang diệp (lá dâu tằm) 12g, cúc hoa (hoa cúc) 8g, trúc diệp (lá tre) 20g, bạc hà 3g, cam thảo 4g. Tất cả cho vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3 cm, đun sôi, giữ nhỏ lửa 10-15 phút là được. Chia ra nhiều lần uống thay nước trong ngày, liên tục 3 ngày. Uống nóng, nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm.
Tác dụng: Tăng sức đề kháng, phòng cảm mạo trong mùa xuân.
- Bài thuốc 2: Bạch biển đậu (đậu ván trắng, mua ở các hiệu Đông Nam dược) 60g, gạo tẻ 50g. Đậu ván trắng ngâm trước 2 tiếng cho mềm, sau đó vớt ra, nấu với gạo đã vo sạch cho chín nhừ; thêm gia vị, mắm muối cho hợp khẩu vị. Ăn vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ.
Tác dụng: Dự phòng viêm não trong mùa xuân.
- Bài thuốc 3: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, lá tre 8g, xạ can (củ cây rẻ quạt) 6g, cam thảo 4g. Sắc với 1.000ml nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa cho cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.
Tác dụng: Dùng cho trường hợp cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, với các triệu chứng sốt nhẹ, nóng rét qua lại, mồ hôi ít, đầu trướng đau, mũi tắc hoặc mũi chảy nước, miệng khô, họng sưng đỏ đau, ho, đờm vàng hoặc trắng đặc.
- Bài thuốc 4: Tía tô (cành và lá tươi) 12g, kinh giới 8g, hoắc hương 10g, vỏ quít 12g, củ gấu 12g, bán hạ chế 8g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g, hành 8g, gừng tươi 8g, cam thảo 6g. Sắc với 1.000ml nước, đun sôi, giữ nhỏ lửa cho cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng mỗi ngày có thể uống 2 thang.
Tác dụng: Dùng cho trường hợp cảm do nhiễm lạnh đột ngột, kèm theo các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa như ho, đau họng, bụng đầy trướng, nôn mửa ...
Phòng ngừa bệnh mạn tính tái phát
- Phòng ngừa viêm khí quản tái phát, ho: Dùng lá nhót tươi 15-30g, sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng lá nhót sao vàng, tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-6g, có thể trộn thêm chút đường hoặc mật ong, chiêu thuốc bằng nước sôi.
- Phòng hen suyễn: (1) Dùng lá nhót sao vàng, tán mịn, ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc; liên tục trong 15 ngày (một liệu trình); trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu trình. (2) Hoặc dùng lá nhót tươi 1 lạng, sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 10-15 ngày.
- Phòng trị viêm đau dạ dày: Hàng ngày dùng 10 - 20g chè dây khô, sắc nước uống thay nước trong ngày. Liên tục 10-15 ngày; nghỉ 5-7 ngày, lại tiếp tục đợt khác.
Từ xưa, đồng bào dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc thường sử dụng chè dây đun nước uống thay chè, để ăn ngon cơm và chống đau bụng. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước sắc chè dây có tác dụng giảm đau, diệt khuẩn Helicobacter pylori (HP), giảm viêm dạ dày.
Còn có tác dụng diệt khuẩn chịu mặn (Halobacteria), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) và trực khuẩn mủ xanh (Bacillus pyocyaneus). Nên còn có thể ứng dụng để chữa trị trúng độc thực phẩm do thức ăn nhiễm khuẩn chịu mặn và các bệnh viêm nhiễm, như viêm phổi, viêm khớp, viêm tiết niệu ... do tụ cầu khuẩn hoặc trực khuẩn mủ xanh gây nên, đạt kết quả tốt.
( Theo TPO)