Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường ngoài yếu tố di truyền, còn có một gốc rễ căn bản đó chính là những thay đổi từ chính cuộc sống của chúng ta. Chế độ ăn uống dư thừa năng lượng, thừa cân, béo phì - ít vận động và căng thẳng, stress đã dẫn đến hậu quả tất yếu của căn bệnh này.
Đã 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Minh ở số nhà 12 ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội phải vật vã chống chọi với căn bệnh đái tháo đường nhưng bản thân bà không hề có kiến thức về căn bệnh này. Bà cho biết: "Trước đây tôi không biết, một ngày uống 3-4 lít nước, mua nước mía, cam, chanh mà vẫn không hết khát. Nhiều người bảo, sao tôi dạo này gầy thế, chắc bị đái tháo đường rồi. Lúc đó, tôi đi khám thì nặng rồi mà chẳng biết gì cả".
Cứ 2 tháng lại vào viện kiểm tra một lần, nhưng cũng là để cho bệnh đỡ tiến triển nặng thêm, chứ không thể chữa khỏi hẳn. Đã xác định tư tưởng là vậy, mặc dù rất cẩn thận nhưng cũng thật không may, chỉ một lần cắt móng chân, chân bà Minh sưng tấy lên và bị nhiễm trùng.
Bác sỹ Trần Thị Thanh Hóa - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện nội tiết Trung ương cho biết: "Bệnh nhân Nguyễn Thị Minh đến đây trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, chúng tôi đã tiến hành truyền dịch, hạ sốt, cho đến nay đã được 15 ngày, chúng tôi vẫn tiếp tục điều trị, mặc dù đã hết sốt, giờ là giai đoạn chăm sóc và rửa vết thương".
Việc tổn thương bàn chân, hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể bị nhiễm trùng đó là biến chứng xảy ra đối với bất cứ người mắc bệnh đái tháo đường nào. Những tổn thương vùng mắt có thể gây ra đục thủy tinh thể hay mù, những đôi bàn chân bị tàn phá và hủy hoại, không chỉ là đau đớn mà sẽ vĩnh viễn ra đi.
Ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hai năm nay đã có thêm một khoa mới: "Khoa chăm sóc bàn chân" cũng bởi một mong muốn sẽ góp một phần nhỏ bé nào đó để mỗi ngày sẽ ít đi một đôi chân buộc phải cắt bỏ vì căn bệnh đái tháo đường.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hà - Khoa chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương giải thích thêm: "Bệnh đái tháo đường trở thành một gánh nặng với người bệnh suốt cuộc đời khi đã mắc phải. Các phương pháp điều trị can thiệp cũng chỉ mang tính hỗ trợ. Vấn đề còn lại chính là sự điều chỉnh từ người bệnh. Một chế độ nghỉ ngơi, tập luyện đúng quy cách, chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng để bệnh không tiến triển".
(Theo Thanh Lan/VTV)